Ngày xuân tản mạn chuyện tranh Tết Việt xưa

Tóm tắt: Tranh Chúc tụng là tranh “niên họa ” với ý nghĩa đón chào một năm

mới trong vòng tuần hoàn xuân - hạ - thu - đông vĩnh cửu của đất trời. Tranh Chúc tụng

là mong ước vinh hoa phú quý và trường tồn của nhân dân mỗi dịp tết đến xuân về.

Tranh dân gian Việt Nam gồm các dòng Đông Hồ, Hàng Trống, làng Sình hay Kim

Hoàng. tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng ở đó tinh hoa của người Việt. Mỗi bức tranh

được sáng tạo nên, mua về treo trong dịp tết cũng như một lời cầu chúc cho một năm

mới an lành, thịnh vượng. Nhân dịp xuân Bính Thân, tản mạn chuyện tranh Tết Việt xưa

để cùng suy ngẫm.

Ngày xuân tản mạn chuyện tranh Tết Việt xưa trang 1

Trang 1

Ngày xuân tản mạn chuyện tranh Tết Việt xưa trang 2

Trang 2

Ngày xuân tản mạn chuyện tranh Tết Việt xưa trang 3

Trang 3

Ngày xuân tản mạn chuyện tranh Tết Việt xưa trang 4

Trang 4

Ngày xuân tản mạn chuyện tranh Tết Việt xưa trang 5

Trang 5

Ngày xuân tản mạn chuyện tranh Tết Việt xưa trang 6

Trang 6

Ngày xuân tản mạn chuyện tranh Tết Việt xưa trang 7

Trang 7

Ngày xuân tản mạn chuyện tranh Tết Việt xưa trang 8

Trang 8

Ngày xuân tản mạn chuyện tranh Tết Việt xưa trang 9

Trang 9

pdf 9 trang baonam 10560
Bạn đang xem tài liệu "Ngày xuân tản mạn chuyện tranh Tết Việt xưa", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Ngày xuân tản mạn chuyện tranh Tết Việt xưa

Ngày xuân tản mạn chuyện tranh Tết Việt xưa
 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU
 NGÀY XUÂN TẢN MẠN CHUYỆN TRANH TẾT VIỆT XƯA
 NCS. Lê Thị Thanh*
 Tóm tắt: Tranh Chúc tụng là tranh “niên họa ” với ý nghĩa đón chào một năm 
mới trong vòng tuần hoàn xuân - hạ - thu - đông vĩnh cửu của đất trời. Tranh Chúc tụng 
là mong ước vinh hoa phú quý và trường tồn của nhân dân mỗi dịp tết đến xuân về. 
Tranh dân gian Việt Nam gồm các dòng Đông Hồ, Hàng Trống, làng Sình hay Kim 
Hoàng... tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng ở đó tinh hoa của người Việt. Mỗi bức tranh 
được sáng tạo nên, mua về treo trong dịp tết cũng như một lời cầu chúc cho một năm 
mới an lành, thịnh vượng. Nhân dịp xuân Bính Thân, tản mạn chuyện tranh Tết Việt xưa 
để cùng suy ngẫm.
 Người Việt xưa có bốn thú chơi tao nhã vào dịp Tết “Nhất chữ, nhì tranh, tam 
sành, tứ mộc”, chính là: câu đối, tranh dân gian, đồ ký kiểu (sành sứ), sập gụ tủ chè. 
Những thú chơi ấy biểu hiện những yếu tố tinh thần cao quý thanh khiết của người Việt 
xưa trong những ngày đầu xuân.
 Với mục đích tôn vinh những giá trị văn hóa dân gian cổ truyền của người Việt, 
tìm hiểu về cái tết xưa và những ngữ nghĩa trên các tác phẩm. Trong bài viết này, tác giả 
đề cập đến thú chơi tranh Chúc tụng thuộc dòng tranh dân gian Đông Hồ, một phong 
cách tạo hình hoàn toàn thuần Việt (ngoài thể loại tranh “Chúc tụng”, dòng tranh Đông 
Hồ còn có thể loại “Tranh thờ”). Giống như nghệ thuật chạm khắc đình làng, tranh dân 
gian Đông Hồ rất ít tính chất tôn giáo, thậm chí tư tưởng Nho giáo vốn là tư tưởng 
chính thống của giai cấp thống trị và các tầng lớp trên trong xã hội Việt Nam xưa, cũng 
không có ảnh hưởng nhiều trong dòng tranh này. Bởi vậy, tín ngưỡng trong tranh Đông 
Hồ chỉ đơn thuần là tín ngưỡng thờ tổ tiên, thờ trời đất, không phát triển thành giáo 
phái, mang tính giáo dục truyền thống đạo đức và thể hiện ước vọng ấm no, bình an và 
hạnh phúc của dân gian.
 Tranh Chúc tụng của dòng tranh Đông Hồ rất đa dạng về hình thức, tranh đơn lẻ 
hoặc tranh theo bộ (Tứ bình, Nhị bình). Chủ yếu tranh đơn lẻ có chủ đề độc lập. Tranh 
Tứ bình thể hiện một bộ chủ đề có tính chất quay vòng và khép kín. Ví như bộ tranh Tố 
nữ, với hình ảnh bốn thiếu nữ, mỗi người cầm một nhạc cụ: sáo, đàn nguyệt, đàn tam, 
đàn nhị, bên cạnh là bốn lọ hoa tượng trưng cho bốn mùa trong năm. Còn tranh Nhị
* Giảng viên khoa Sư phạm Mần non và Nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh 
Hóa
 51
 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU
bình thường thể hiện một cặp chủ đề có ảnh hưởng lẫn nhau, biểu hiện triết lý âm 
dương. Ví dụ cặp tranh Vinh hoa - Phú quý (Vinh hoa: học hành đỗ đạt - dương; Phú 
quý: tài lộc, no đủ - âm), cặp tranh Đại cát - Nghinh xuân,...
 Để hiểu người dân lao động Việt Nam xưa chơi tranh Tết thế nào, phải biết căn 
nhà của anh ta ra sao và chỗ nào trong nhà dành để treo tranh. Với căn nhà ba gian hai 
chái, gian giữa luôn để thờ cúng có thể treo Tranh chủ dưới dạng hình thức một ban thờ 
vẽ trên giấy. Hai cột chính treo câu đối, trên cửa võng gian giữa treo hoành phi. Ngoài 
cửa chính gian giữa treo tranh Tử vi trấn trạch. Nếu có cổng ra vào bằng gỗ thì tranh 
Môn thần được treo ở đó. Tường các gian bên trong có thể treo tranh Chúc tụng (Đông 
Hồ) như: nhóm tranh 12 con giáp, được biến tướng thành các tranh lợn, gà, trâu, 
chuột,... với các cảnh sinh hoạt riêng của chúng như Đại cát, Gà đàn, Lợn ăn lá dáy, 
Lợn đàn, Đám cưới chuột,. ; nhóm tranh tượng trưng, thường vẽ trẻ em ôm động vật 
như Vinh hoa, phú quý;...; nhóm tranh sinh hoạt thế tục, thường vẽ các cảnh sinh hoạt 
thường ngày hoặc lễ hội như Hứng dừa, Đánh ghen, Hội vật,...; nhóm tranh các nhân 
vật lịch sử như: Bà Trưng, Bà Triệu, Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo,... Như vậy, có 
rất nhiều chủ đề và tùy theo sở thích mà người dân mua tranh để trang trí những gian 
bên trong ngôi nhà của mình. Tuy nhiên, không nhất thiết là chỉ treo tranh trong nhà, mà 
tùy theo chủ đề và nguyện vọng người dân có thể treo tranh ở những vị trí khác. Ví dụ, 
tranh Gà đàn có thể treo ở chuồng gà, tranh Lợn ăn lá dáy, Lợn đàn có thể treo ở 
chuồng lợn như tranh thờ các vật linh, với ý nghĩa cầu mong cho gia súc, gia cầm ăn no 
chóng lớn, sinh sôi,.
 Tác giả bài viết xin giới thiệu một số tranh Chúc tụng không thể thiếu trong ngôi 
nhà các gia đình người dân lao động Việt xưa vào các ngày xuân hy vọng là hướng gợi 
mở cho các nhà nghiên cứu, các cấp quản lý nhà nước trong việc hoạch định công tác 
bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dòng tranh dân gian Đông Hồ tiếp tục phát triển, 
lan tỏa giá trị trong xã hội hiện đại.
 Đại cát - Nghinh xuân
52
 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU
 Đại cát - Nghinh xuân (đón xuân - tốt lành): Hai con gà đối xứng nhau, hình thể, 
lông cánh, lông đuôi mang tính ước lệ hơn là tả thực. Gà được dân gian quan niệm vừa 
cấm quỷ, vừa cầu may. Hình ảnh chú gà trống oai vệ, hùng dũng biểu tượng cho sự 
thịnh vượng, cho năm đức tính tốt của nam giới: tính văn thể hiện ở mào đỏ tựa như mũ 
cánh chuồn, tính vũ thể hiện ở cựa gà, tính dũng là sự dũng cảm không sợ địch thủ, tính 
nhân nghĩa là kiếm ăn theo đàn, cùng với đồng loại, tính tín rất rõ ở việc gáy báo giờ 
chính xác. Từ lâu, tranh gà Đại cát đã đi vào đời sống tinh thần người Việt Nam như 
một lời chúc, một ý cổ động cho năm đức tính tốt đẹp cần ghi nhớ ở mỗi người quân tử. 
Bức tranh Nghinh xuân sử dụng bảng màu “tương túc” (tương phản và bổ túc). Hai màu 
tương phản: đỏ - xanh (tuy đỏ đã ngả nâu) và màu trung gian vàng. Những chiếc lông 
cánh, lông đuôi của con gà: xanh - vàng - đỏ, rồi xanh - đỏ - vàng, có chỗ lại: xanh - đỏ 
- xanh cùng những mảng vàng lớn, khiến cho người xem bị cuốn hút. Chỉ có ba màu mà 
ta cảm thấy màu sắc như trùng trùng điệp điệp, gây ấn tượng thị giác rất mạnh. Chữ Đại 
cát và Nghinh xuân được tác giả đưa vào tranh đã đúc kết mong ước từ ngàn năm và 
cũng là mong ước hàng ngày của mỗi người nông dân Việt Nam. Người nông dân trồng 
lúa nước chỉ mong mưa thuận gió hòa, chăn nuôi thì chỉ mong gia súc gia cầm hay ăn 
chóng lớn, cuộc đời chỉ mong khỏe mạnh, con đàn cháu đống,... tất cả đều là những 
ước mơ giản dị. Cặp tranh này có bố cục khác hẳn tất cả các tranh còn lại. Trong những 
tranh khác, chữ trong tranh tuy cũng là một phần trong bố cục của tranh, nhưng chỉ 
chiếm một phần nhỏ. Còn trong hai bức Đại cát và Nghinh xuân chữ và các hoa văn 
trang trí chiếm phân nửa bức tranh, tác giả đã nhấn mạnh ước vọng của người nông dân, 
đồng thời đó cũng là lời chúc tụng trong dịp xuân mới.
 Lợn đàn - Lợn độc
 Cặp tranh Lợn đàn - Lợn độc phản ánh tín ngưỡng phồn thực, sinh sôi nảy nở, 
hình tượng lợn trong tranh đều béo mũm mĩm “mõm gầu giai, tai lá mít, đít lồng bàn”.
 53
 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU
Những bức tranh lợn được diễn tả bằng ngôn ngữ ước lệ nhưng cũng chứng tỏ các nghệ 
nhân Đông Hồ đã quan sát rất kỹ nguyên mẫu, đó là giống lợn ỉ thuần chủng. Giống lợn 
này thường có màu đen hoặc lang hồng, lưng võng, bụng xệ, trên thân thường có những 
đám lông mọc thành khoáy tròn. Theo kinh nghiệm của nhà nông thì những con lợn nào 
mà trên lưng có dải lông mọc khác chiều với chỗ khác thì đó là giống tốt. Điều này đã 
được các nghệ nhân nhấn mạnh bằng một vệt màu sẫm trên lưng lợn. Để làm nổi bật cái 
má và cái đùi nung núc thịt, nghệ nhân vẽ hẳn một mảng màu hình lưỡi liềm. Điều thú 
vị nữa là cái mũi, nếu ta nhìn nghiêng (để trông thấy cả mình con lợn) thì không thể 
trông thấy hai lỗ mũi của nó. Ở đây tác giả đặt điểm nhìn từ cả phía bên cạnh lẫn phía 
trước, vì vậy đã thể hiện rõ cái “mõm gầu giai” của con lợn. Một điểm đặc biệt là dù 
thời gian trôi đi, các bản khắc có thể mòn, sứt nét, hỏng, nhiều nghệ nhân đã khắc 
những bản in mới, có thể thay đổi đôi chút về hình tượng cũng như bố cục của bức tranh 
nhưng một điểm bất biến ở tranh lợn là: trên mỗi con lợn đều có hai cái khoáy tròn được 
thể hiện bằng biểu tượng âm dương cân bằng. Các mảng màu trong bộ tranh gồm các 
cặp màu đỏ - xanh, vàng - nâu, hồng - xám và đen với kỹ thuật pha màu tự nhiên và 
cách in từng màu riêng biệt của tranh làng Hồ tạo cho sắc tranh trong sáng, óng xốp; 
cho ta thấy yếu tố âm dương đối đãi ngay cả trong bố cục tới màu sắc.
 Vinh hoa - Phú quý
 Bộ tranh Vinh hoa - Phú quý: Hình tượng trong cặp tranh này là hai em bé ôm 
gà, ôm vịt. Nhìn khuôn mặt bầu bĩnh, rạng rỡ của các em bé và con gà, con vịt béo mập, 
người xem đã hình dung ra cảnh được mùa, thóc đầy bồ, gà đầy sân của nhà nông, 
mong tăng thêm hạnh phúc cho đời sống. Tác giả đề chữ Vinh hoa cho bức bé trai ôm 
con gà, bên cạnh là những bông cúc (kê - cúc), thể hiện ước nguyện một tương lai vinh 
hiển sẽ đến đến với những người con trai trong gia đình - yếu tố dương hiện rõ; chữ
54
 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU
Phú quý ở tranh bé gái ôm vịt, bên những bông hoa sen (liên - áp), tượng trưng sự trong 
trắng, thanh cao, nói lên bản năng thiên bẩm của giới nữ trong việc chăm sóc, vun vén 
hạnh phúc gia đình - là yếu tố âm đặc trưng. Hòa sắc trong bộ tranh này có sự đồng 
điệu, hài hòa và êm ái với các cặp màu tương túc như: đỏ - lục, vàng - hồng, được phân 
định rạch ròi bởi các nét đen khỏe khoắn, mộc mạc đặc trưng của dòng tranh dân gian 
Đông Hồ, thể hiện rõ nét yếu tố thẩm mỹ dân gian cùng mong ước ngàn đời về vinh 
hoa - phú quý của người Việt xưa.
 Cặp tranh Hứng dừa - Đánh ghen là hai bức tranh nổi bật về đề tài hạnh phúc 
lứa đôi, hạnh phúc gia đình, rất nên thơ và đầy ý nhị. Tranh Hứng dừa mô tả một cảnh 
sinh hoạt trong đời sống hàng ngày của người nông dân. Chàng ở trên cây, đưa xuống 
hai trái dừa, nàng đứng dưới, nâng váy lên hứng (thử hình dung hai quả dừa thật mà rơi 
vào cái váy kia thì điều gì sẽ xảy ra? Tác giả bài viết luôn cho rằng đây là bức tranh 
“khỏa thân” đầu tiên của các nghệ sĩ Việt, nếu quả thật vậy thì các nghệ nhân xưa có lối 
tạo hình thật là thâm thúy và ý nhị, đầy gợi ý liên tưởng...). Trên tranh có câu thơ Nôm:
 Khen ai khéo dựng nên dừa 
 Đấy trèo, đây hứng cho vừa một đôi.
 Hứng dừa - Đánh ghen
 Từ “đây” hẳn là lời người nữ, và “đấy trèo”, “đây hứng”, “cho vừa một đôi”, nói 
lên một mong ước thầm kín về một cuộc sống chung, một gia đình hạnh phúc. Theo triết 
lý âm dương, trong âm có dương, trong dương có âm, trong may có rủi, trong rủi có 
may, trong họa có phúc, trong phúc có họa,... Ta hãy xem vế kia của cặp tranh này.
 Tranh Hứng dừa êm đềm bao nhiêu thì tranh Đánh ghen sôi động bấy nhiêu. Bà 
vợ cả đã nóng máu “lành làm gáo, vỡ làm muôi”, cầm kéo chạy tới định cắt tóc bà vợ
 55
 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU
hai. Bà hai trơ trẽn trong tình trạng xống áo trễ nải, cậy có ông chồng bao che nên dơ 
nắm tóc ra thách thức. Ông chồng can ngăn:
 Thôi thôi vuốt giận làm lành 
 Chi điều sinh sự nhục mình, nhục ta.
 Miệng nói thế nhưng ông này tay vẫn đang nắn “oản bụt”! (Trạng Quỳnh cũng 
xin thua các nghệ nhân Đông Hồ!). Tuy nhiên, lời can ngăn của ông chồng cũng khéo, 
ta có thể hy vọng ngày mai, bà cả, bà hai cùng nâng váy hứng dừa cho cả gia đình vui 
vẻ, hòa thuận. Màu sắc trong bộ tranh này cũng “đồng tông” với nhau với các cặp màu 
đỏ - lục; vàng - trắng và đen; tuy nhiên cách tạo hình cho thấy bức Hứng dừa là quang 
cảnh diễn ra ở ngoài thiên nhiên nông thôn trong lành, tươi sáng. Tuy nhiên, bức Đánh 
ghen lại cho thấy không gian diễn ra ở một gia đình khá giả với tường bao, cây cảnh... 
Yếu tố âm dương của màu sắc và bố cục làm nên nét tươi vui, hóm hỉnh của bộ tranh này.
 “Con trâu là đầu cơ nghiệp” của nhà nông, cũng được các nghệ nhân Đông Hồ 
dành nhiều tâm huyết để khắc họa nên những bức tranh rất mộc mạc, chân thật nhưng 
cũng rất ý tứ sâu xa. Tranh Mục đồng cưỡi trâu thổi sáo có chữ “Hà diệp cái thanh 
thanh” (Lọng lá sen xanh xanh). Một tàu lá sen dựng đứng như chiếc lọng, ý tưởng thật 
thú vị. Xưa có câu “đàn gảy tai trâu”, rõ ràng là không đúng với trường hợp này. Con 
trâu nghển cổ thưởng thức tiếng sáo, tư thế, dáng vẻ của nó khiến ta cũng như nghe thấy 
tiếng sáo réo rắt dưới bầu trời trong xanh lồng lộng, thấy cuộc sống thật thanh bình,...
 Mục đồng cưỡi trâu thổi sáo - Mục đồng cưỡi trâu thả diều
 Tranh Mục đồng cưỡi trâu thả diều có chữ “Vũ thu phong nhất tướng” (một hình 
ảnh gió thu múa). Một cậu bé nằm trên lưng trâu thả diều... rất thi vị. Nhưng sao có thể 
nằm ngửa trên lưng trâu? và diều là một chiếc nón? Thực tế khó có thể nằm trên lưng 
trâu mà dong cái diều bằng nón mê như vậy. Thế mà ngắm tranh ta vẫn thấy khoái? 
Immanuel Kant (1724-1804) nhà triết học lỗi lạc người Đức cho rằng: “...Chỉ nên coi
56
 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU
cái đẹp chân chính là những gì mang lại cho ta khoái cảm, làm cho ta thích thú, tình 
cảm khi đó là tình cảm thẩm mỹ, sự thỏa mãn vì cái đẹp nảy sinh không hề có sự tham 
gia của lý tính và bởi vậy không thể luận chứng nó về mặt logic được”...
 Như vậy, trong căn nhà đơn sơ, mộc mạc của người nông dân Việt Nam xưa, 
tranh dân gian Đông Hồ là điểm nhấn đầy sắc màu trong không khí se lạnh khi Tết đến 
xuân về, trong mưa xuân phơi phới bay, khi lòng người thư thái hướng về cội nguồn, tổ 
tiên, cầu mong những điều tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc cho năm mới. Vì vậy, tranh Chúc 
tụng được mua về trang trí nhà cửa là nhu cầu tất yếu để tăng thêm sắc xuân và biểu 
hiện sự cầu mong năm mới an lành, sung túc, no đủ của gia chủ. Tranh thường được dán 
luôn lên tường một cách giản dị, không cần lồng vào khung kiểu cách, trịnh trọng như 
tranh trang trí nhà cửa ngày nay. Khi tàn xuân, tranh cũ và bụi bặm thì có thể xé đi, năm 
sau lại mua tranh mới. Như vậy nghệ nhân làm tranh Đông Hồ xưa luôn có đất sống, cả 
năm họ lại in tranh đợi Tết đem ra bán cho nhân dân.
 Ngày nay, khi kinh tế đã có những thay đổi lớn so với cuộc sống của người xưa, 
các gia đình đều xây nhà bê tông kiên cố, kiến trúc hiện đại, thậm chí biệt thự nguy 
nga,... tất cả được sơn ve tươi tắn, (không còn cảnh tường đất vách tranh lạnh lẽo) thì 
cũng là lúc nhu cầu chơi tranh dân gian nhằm làm tăng không khí Tết đến xuân về thưa 
dần, thay vào đó các loại ảnh chụp đại gia đình gia chủ, tranh sao chép, tranh đá quý, 
tranh thêu, tranh c á t. dần lên ngôi. Viết đến đây tác giả bài viết chợt thoáng chạnh 
lòng: không rõ hậu thế mai sau sẽ nhìn nhận thế nào về gu thẩm mỹ đáng buồn và mỹ 
thuật dân gian thế kỷ 20, 21???. Vì giảm cầu ắt hẳn giảm cung, đa số các gia đình làm 
tranh Đông Hồ, Bắc Ninh đã chuyển sang nghề làm đồ gỗ, nhuộm giấy,... đặc biệt là 
làm hàng mã vì kế sinh nhai. Làng tranh Đông Hồ xưa hiện nay chỉ còn hai hộ gia đình 
còn làm nghề là gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và gia đình nghệ nhân Nguyễn 
Hữu Sam. Nghề làm tranh dân gian bây giờ có nhiều cái khó lắm, trong đó có một cái 
khó mà ít ai vượt qua được đó chính là tìm nguồn tiêu thụ tranh. Việc sản xuất tranh 
hiện nay chủ yếu cho những người yêu thích tranh dân gian, những nhà nghiên cứu và 
khách du lịch, đa số họ đều tự tìm đến nhà nghệ nhân để mua.
 Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để tới được làng tranh Đông Hồ 
(cách Hà Nội khoảng 40km) để mua các sản phẩm như vậy. Thiết nghĩ, nếu được Nhà 
nước và các tổ chức xã hội khuyến khích, hỗ trợ, để có thể nhân rộng mô hình các trung 
tâm chế tác tranh Đông Hồ (và các dòng tranh dân gian khác) trên cả nước để công 
chúng ở khắp các tỉnh thành có thể thưởng ngoạn, thậm chí tham gia vào quy trình làm 
tranh dân gian. Đưa kỹ thuật in tranh dân gian vào dạy tại các trường Đại học Mỹ thuật
 57
 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU
trên toàn quốc, phổ cập quy trình in tranh dân gian ở môn Mỹ thuật tại các trường phổ 
thông, thậm chí có thể xây dựng các dự án “Cùng bé sáng tạo, khám phá tranh Tết” tại 
các trường mầm non, gộp vào dịp các trường tổ chức dạy các em nhỏ gói bánh chưng, 
bánh dày, bánh tét vào sát tết, hoặc đem kỹ thuật này đến các điểm du lịch để du khách 
có cơ hội tham quan và mua tranh trực tiếp tại những nơi này với giá trung bình cho một 
bức tranh là 15.000 đồng và khoảng 200.000 đồng với bức đã đóng khung (là mức giá 
thành rất phù hợp để mua một bức tranh dân gian đẹp và treo nó lên tường của các căn 
nhà hiện đại ngày Tết). Qua đó người thưởng lãm có thể thu nhận được nội dung ý 
nghĩa từng tác phẩm thông qua sách báo, cảm quan cá nhân và sự giới thiệu của nghệ 
nhân để hiểu được: Tại sao gọi là tranh Tết? Tranh Tết có tự bao giờ? Ý nghĩa, giá trị 
nghệ thuật, thông điệp của người xưa gửi gắm trong tranh dân gian những ẩn ý gì?. 
Giáo dục cho con cháu về thú chơi tao nhã, tinh tế của cha ông vào mỗi dịp lễ tết, nhằm 
hình thành tình cảm yêu mến, gắn bó và trân trọng các giá trị cổ truyền của dân tộc cho 
các thế hệ mai sau. Thông qua các hoạt động đố vui về ý nghĩa tranh, in tranh dân 
gian, và sáng tạo những tác phẩm của riêng mình từ tranh dân gian sẽ đem lại những trải 
nghiệm đầy thú vị cho các bé trong dịp Tết cổ truyền, thậm chí tiền bán tranh có thể 
dùng để gây quỹ thiện nguyện ủng hộ các gia đình nghèo khổ, neo đơn cũng là tập quán 
tốt đẹp từ xưa của người Việt đặc biệt trong dịp Tết (từ bi hỉ xả, lá lành đùm lá rách...), 
nhằm giúp các em nhỏ có được niềm vui đích thực khi làm việc tốt, dần dần xa rời các 
trò chơi bạo lực và tiêu cực ngày này đang lan tràn rộng rãi trên mạng Internet. Cách 
làm này tương tự như cách ngày nay Nhà nước và nhân dân cùng làm với phong tục xin 
và cho chữ của các ông đồ dịp xuân mới, triển lãm thư pháp ở Văn Miếu Hà Nội và ở 
khu vục trung tâm của các tỉnh thành vào ba ngày Tết. Để thực hiện được những dự 
định này, tác giả bài viết nghĩ rằng rất cần sự chung tay góp sức trên nhiều phương diện. 
Về nhân lực: cần các tình nguyện viên là các họa sĩ, các bạn bè có thời gian rảnh, cùng 
hướng dẫn người dân vẽ tranh Tết và bán sản phẩm, giao hàng gây quỹ. Về tài lực: kêu 
gọi mọi người ủng hộ bằng tiền mặt, dùng để mua họa phẩm và vật dụng cần thiết cho 
việc thực hiện chương trình. Việc bán tranh Tết: dự kiến mỗi tranh dân gian Đông Hồ 
bán khoảng 15.000 đồng/01 tranh (giá ủng hộ thiện nguyện). Tuy nhiên, để việc gây quỹ 
được nhiều hơn, hy vọng các đơn vị, tổ chức, cơ quan mua với mức giá cao hơn giá 
khởi phát. Về truyền thông: mong muốn nhận được sự hỗ trợ thông tin từ báo/ đài để 
thông điệp của chương trình được lan tỏa đến toàn bộ cộng đồng. Nếu làm được như 
vậy thì tác giả bài viết tin chắc rằng việc chấn hưng một làng nghề, một giá trị truyền 
thống tốt đẹp của dân tộc như chơi tranh Chúc tụng ngày xuân là việc chắc chắn thành công.
58
 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU
 TÀI LIỆU THAM KHẢO
 [1] . Trần Lâm Biền (2001), Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, Nxb
 Văn hóa Dân tộc.
 [2] . Nguyễn Phi Hoanh (1977), Lược sử mỹ thuật Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội.
 [3] . Phan Cẩm Thượng (chủ biên,1997), Đồ họa cổ Việt Nam, Nxb Mỹ thuật.
 [4] . Chu Quang Trứ (1996), Kiến trúc dân gian truyền thống Việt Nam, Nxb Mỹ thuật.
 [5] . Viện Nghiên cứu Văn hóa (2012), Tổng tập về nghề và làng nghề truyền thống
 Việt Nam - Tập 5, Nxb Khoa học Xã hội.
 ABOUT VIETNAMESE PAINTINGS IN THE LUNAR NEW YEAR
 Le Thi Thanh, Ph.D student
 Abstract: Praising painting means the welcome of a new year within the cycle of 
the four seasons: spring, summer, autumn and winter. Praising painting presents the 
people’s desire for wealth and longevity in the New Year. Vietnam Folk Painting 
including paintings from the villages of Dong Ho, Hang Trong, Sinh or Kim Hoang is 
small but it contains the essence of the Vietnamese. A painting displayed in the Lunar 
New Year is a wish for a new year of peace and prosperity. On the occasion of Binh 
Than Lunar New Year, we discuss together the issues of Vietnamese painting.
 59

File đính kèm:

  • pdfngay_xuan_tan_man_chuyen_tranh_tet_viet_xua.pdf