Âm nhạc dân gian với hoạt động du lịch ở Thanh Hóa
Tóm tắt: Thanh Hóa là một tỉnh đất rộng, người đông (7 dân tộc), có đủ 4 vùng kinh tế
đa dạng và phong phú về hệ sinh thái. Mỗi vùng đất, mỗi tộc người đó đã tạo cho Thanh Hóa
một bức tranh muôn màu, muôn sắc về nếp sống, tín ngưỡng, sinh hoạt, văn hóa nghệ thuật.
Trong đó, không thể không nói đến các làn điệu âm nhạc dân gian. Âm nhạc dân gian Thanh
Hóa phong phú về thể loại, đa dạng về hình thức diễn xướng, xứng đáng là “sản phẩm hàng
hóa đặc biệt”2 để các nhà kinh tế khai thác trong lĩnh vực du lịch. Muốn làm được điều đó,
chúng ta phải có những giải pháp thực hiện cụ thể, khoa học, góp phần làm cơ sở hoạch định
chiến lược phát triển lâu dài cho ngành du lịch của tỉnh nhà.
Trang 1
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Bạn đang xem tài liệu "Âm nhạc dân gian với hoạt động du lịch ở Thanh Hóa", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Âm nhạc dân gian với hoạt động du lịch ở Thanh Hóa
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI ÂM NHẠC DÂN GIAN VỚI HOẠT ĐỘNG DU LỊCH Ở THANH HÓA NhS. Nguyễn Liên1 Tóm tắt: Thanh Hóa là một tỉnh đất rộng, người đông (7 dân tộc), có đủ 4 vùng kinh tế đa dạng và phong phú về hệ sinh thái. Mỗi vùng đất, mỗi tộc người đó đã tạo cho Thanh Hóa một bức tranh muôn màu, muôn sắc về nếp sống, tín ngưỡng, sinh hoạt, văn hóa nghệ thuật... Trong đó, không thể không nói đến các làn điệu âm nhạc dân gian. Âm nhạc dân gian Thanh Hóa phong phú về thể loại, đa dạng về hình thức diễn xướng, xứng đáng là “sản phẩm hàng hóa đặc biệt”2 để các nhà kinh tế khai thác trong lĩnh vực du lịch. Muốn làm được điều đó, chúng ta phải có những giải pháp thực hiện cụ thể, khoa học, góp phần làm cơ sở hoạch định chiến lược phát triển lâu dài cho ngành du lịch của tỉnh nhà. Từ khóa: Âm nhạc dân gian; khai thác du lịch; Thanh Hóa. 1. Đặt vấn đề Đi du lịch, du khách không chỉ có nhu cầu khám phá những miền đất lạ qua việc tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa; thưởng thức các món ăn, đặc sản; xem và tham gia các trò chơi giải trí... mang sắc thái riêng của từng vùng miền, mà còn có nhu cầu tìm hiểu các nền văn minh, văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Vì vậy, đưa âm nhạc dân gian vào phục vụ khách du lịch là một hoạt động kinh doanh du lịch đã được nhiều nước trên thế giới khai thác. Ở Việt Nam nhiều nơi cũng đã sử dụng hoạt động này có hiệu quả, tiêu biểu như Hà Nội có nhiều khách sạn, nhà hàng, các tụ điểm ca nhạc tổ chức trình diễn âm nhạc truyền thống phục vụ khách du lịch, trong đó hát ca trù, hát văn là thế mạnh. Ở Huế du khách còn được thưởng thức “đặc sản” ca Huế tại thuyền trên sông Hương... còn ở Thanh Hoá, tiềm năng về âm nhạc dân gian khá phong phú và đa dạng nhưng chưa được khai thác. Với mong muốn góp phần phát triển kinh tế du lịch ở Thanh Hoá, bài viết xin đưa ra một số đề xuất xung quanh việc sử dụng âm nhạc dân gian xứ Thanh trong kinh doanh du lịch. 2. Tiềm năng du lịch ở Thanh Hóa 2.1. Tiềm năng về môi trường tự nhiên Thanh Hóa là một tỉnh đất rộng người đông, có đủ 4 vùng: miền núi, trung du, đồng bằng và ven biển, cùng hệ sinh thái phong phú và đa dạng. Thanh Hóa, phía Bắc giáp tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Ninh Bình; phía Nam và Tây Nam giáp Nghệ An; phía Tây nối liền với tỉnh Hủa Phăn của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào; phía Đông mở ra phần giữa của vịnh Bắc Bộ thuộc biển Đông. Tỉnh Thanh Hóa có 27 đơn vị hành chính gồm 02 thành phố trực thuộc tỉnh, 01 thị xã và 24 huyện nằm ở cửa ngõ giao lưu giữa Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Thanh Hóa có các tuyến giao thông quan trọng của hệ thống đường quốc tế và quốc gia như: tuyến đường sắt Thống Nhất, quốc lộ 1A, quốc lộ 10; đường 15A và đường Hồ Chí Minh xuyên suốt vùng trung du miền núi của tỉnh; đường 1 Nguyên Phó Hiệu trưởng -Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa 2 Xem dự án “Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn đến năm 2020” của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. 48 NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI 217 nối Thanh Hóa với tỉnh Hủa Phăn của Lào... Đây là những lợi thế lớn để Thanh Hóa phát triển kinh tế cửa khẩu, mở rộng hợp tác và giao lưu thương mại văn hoá, du lịch quốc tế với các tỉnh Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan và các vùng lân cận thông qua hệ thống các tuyến đường xuyên Á trong khu vực3. Thanh Hóa có hai con sông lớn là sông Mã và sông Chu. Sông Mã chảy về Thanh Hóa bắt đầu từ Mường Lát qua các huyện Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy rồi về xuôi và chảy ra biển. Sông Chu bắt nguồn từ Lào chảy qua Thường Xuân về đồng bằng, hòa vào dòng sông Mã ở ngã Ba Đầu. Ngoài ra, còn có các con sông nhỏ và nhiều con suối khác đã tạo cho miền núi xứ Thanh một mạng lưới giao thông, lưu thông quan trọng, đồng thời cũng là nguồn nước tưới tiêu thuận lợi cho việc canh tác lúa nước, chăn nuôi gia súc, trồng cây hoa mầu, góp phần xây dựng miền quê Thanh giàu đẹp. Sự tập trung của các làng cổ và sự hình thành, phát triển của các làng nghề đúc trống đồng, luyện kim, làng dệt và những cảng sông tấp nập trên sông Mã đã khiến cho vùng đất xứ Thanh trở thành nơi giao thương đường thủy nối liền với sông Hồng, sông Lam và các vùng hải đảo xa xôi khác. Biển Thanh Hóa thuộc vịnh Bắc Bộ, có nhiều tài nguyên hải sản, khoáng sản và là nơi du lịch lý tưởng. Bờ biển Thanh Hoá dài 102 km trải qua 6 huyện thị, tiếp giáp với Ninh Bình phía Bắc và Nghệ An phía Nam. Ngoài biển có các đảo nổi, đảo chìm như Hòn Nẹ, Hòn Mê và bán đảo Nghi Sơn... Đường bờ biển bị chia cắt bởi các cửa lạch do phụ lưu của sông Mã đổ ra biển, đó là: Lạch Sung, Lạch Trường (Linh Trường), Lạch Hới (Hội Triều); Sông Yên: Lạch Ghép (Lạch Trào); Sông Bạng: Lạch Bạng (Cửa Tấn). Ở các cửa lạch, nơi sông gặp biển hình thành nên những cửa sông lớn, là nơi tụ hợp đông dân cư làm nghề đánh cá, chế biến hải sản và buôn bán. 2.2. Tiềm năng về môi trường văn hoá - xã hội Thanh Hoá có 7 dân tộc anh em sinh sống, gồm các ... n, Trần Xuân Soạn, Cầm Bá Thước, Hà Văn Mao, Khương Công Phục, Lê Văn Hưu, Lê Thánh Tông, Nguyễn Mộng Tuân... đều là những con người tạo thế và khai sáng cho đất nước. Thanh Hóa là nơi phát tích của nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng. Những di chỉ văn hoá này chiếm một vị trí quan trọng trong nền cảnh văn hoá sông biển tiền sử Việt Nam. 3 Tỉnh ủy, HĐND, UBND Thanh Hóa (2000), Địa chí Thanh Hóa, tập 1, Nxb Văn hóa Thông tin. 49 NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI Với những đặc điểm trên, thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho xứ Thanh một kho tàng văn hóa truyền thống phi vật thể khá đặc sắc và phong phú - nguồn tài nguyên vô giá phục vụ cho phát triển kinh tế, nhất là đối với ngành du lịch tỉnh Thanh. 2.3. Tiềm năng về âm nhạc dân gian Âm nhạc dân gian xứ Thanh là sản phẩm của môi trường lao động sản xuất. Chính môi trường lao động, môi trường sông nước khắc nghiệt của dòng sông Mã đã tạo nên những điệu hò sông Mã có âm hưởng dào dạt của sóng nước cuộn chảy, có dáng vóc mạnh khoẻ, chắc nịch bởi những cánh tay vạm vỡ chèo chống đò của các chàng trai; Môi trường lao động nông nghiệp đã tạo ra các điệu hò giã gạo, hò đạp lúa, hát múa Đông Anh... rộn ràng, chất phác; Không khí lao động của người dân miền biển xứ Thanh đi đánh cá đã tạo nên câu hò biển mạnh khoẻ với những lời xô, câu xướng nhịp nhàng; Không khí hội hè đã tạo nên các câu hò chèo đua trên sông Lãng (huyện Nông Cống) rộn ràng, khẩn trương... Miền đất “Địa linh nhân kiệt” đã tạo cho xứ Thanh thành vùng đậm đặc những lễ hội dân gian chứa đựng trong lòng nó một kho tàng trò diễn, diễn xướng phong phú với nhiều thể loại hát, múa, nhạc mà theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thì đây có thể là cái nôi của nghệ thuật sân khấu chèo! Ta có thể kể đến lễ hội Nghè Sâm (vùng Đông Sơn) có tới hơn mười trò diễn, diễn xướng, trong đó diễn xướng Múa đèn Đông Anh, trò Tiên Cuội, trò Trống mõ là phổ biến nhất; Lễ hội làng Xuân Phả (huyện Thọ Xuân) có các trò múa hát Xuân Phả gồm 5 trò chính: Hoa lang, Chiêm thành, Ai lao, Tú huần, Ngô quốc; Lễ hội làng Mưng (huyện Nông Cống) có hát Chèo thờ với nhiều tích trò độc đáo như: Tống Trân - Cúc Hoa, Lưu Quân Bình, Thục Vân, Tuấn Khanh; Lễ hội đền Thánh Tến có hát Chèo chải; Lễ hội mùa xuân của người Mường có diễn xướng Pồn pôông, diễn xướng giao duyên Cài hoa đan trái; Người Thái có diễn xướngKin chiêng boóc mạy, người Dao có tết nhảy với những lời hát, lời khẩn cầu cùng các điệu múa đao, múa cờ, múa rùa, múa chuông... sôi nổi. Nếp sống, sinh hoạt, phong tục tập quán mỗi vùng, mỗi dân tộc cũng sản sinh ra nhiều làn điệu dân ca, dân nhạc mang bản sắc riêng. Nếu người Kinh có các làn điệu hát giao duyên như: hát ghẹo, hát trống quân, hát cò lả... thì người Mường có xường, bọ mẹng; người Thái có khặp; người Mông có hát cự xia (cử xia); người Thổ có hát đối đáp; người Khơ Mú có hát tơm; người Dao có hát đúm... Nếu người Kinh, người Mường có làn điệu hát sắc bùa nhằm chúc tụng ngày đầu năm mới thì người Thái có mo mừng năm mới, chúc rượu cần... Ngoài ra, ta có thể kể đến tiếng khua luống (giã gạo) rộn rã trong đêm trăng của những tiết tấu đảo, nghịch phách tài tình pha lẫn trong tiếng khèn, điệu khặp giao duyên trữ tình của các chàng trai, cô gái Thái. Hay âm hưởng hào hùng của núi rừng quê Thanh trong tiếng chiêng trầm hùng ngân nga, tiếng cồng thanh cao thánh thót, đan xen, pha màu, hỗ trợ cho câu xường giao duyên, tạo nên tính cách người Mường. Ta cũng có thể kể đến vô vàn những làn điệu hát ru, hát đối, hát mời rượu, mời bạn... hoà trong những tiếng khèn bè, sáo ôi, sáo pi mốt, sáo mèo, kèn lá... trữ tình mang âm hưởng của tiếng suối róc rách, tiếng chim rừng gọi bạn của các chàng trai, cô gái các tộc người trên khắp các bản làng miền núi quê Thanh đang ngày đêm ngân nga cùng gió ngàn. 50 NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI Với những tiềm năng trên, xứ Thanh thực sự là một vùng đất màu mỡ nảy mầm, đơm hoa kết trái những làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc đặc sắc và phong phú, là tiềm năng vô tận để ngành du lịch đưa vào khai thác. 3. Dự kiến đưa âm nhạc dân gian vào một số tuyến du lịch ở Thanh Hóa Căn cứ hệ thống các điểm du lịch, khu du lịch và đô thị du lịch trong dự án “Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thanh Hoá giai đoạn đến năm 2020” của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tác giả xin nêu một vài thể loại âm nhạc dân gian trên một số điểm và tuyến du lịch điển hình có thể áp dụng đưa vào hoạt động kinh doanh du lịch ở Thanh Hoá. 3.1. Tuyến du lịch thành phố Thanh Hóa - Sầm Sơn Ngoài việc tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hoá như: Hàm Rồng, Nam Ngạn, di tích khảo cổ Đông Sơn, đền thờ Trần Khát Chân, đền Độc Cước, đền Cô Tiên, hòn Trống Mái... tắm biển Sầm Sơn và mua sắm... du khách còn được thưởng thức các loại hình nghệ thuật dân gian như: hát ca trù (Thanh Hóa gọi là ca công), hát văn, dân ca Đông Anh, tuồng, chèo... tại các khách sạn hoặc các tụ điểm sinh hoạt văn hoá vào các buổi tối ở thành phố Thanh Hóa. Riêng ở Sầm Sơn còn có các điệu hò biển, hò đối đáp... Nếu đến đúng dịp lễ hội đền Độc Cước (được tổ chức vào ngày 13 tháng 5 âm lịch), du khách sẽ được tham gia cuộc thi cỗ bánh chưng bánh dày trong lễ cầu mưa. Đặc biệt, tuyến từ Sầm Sơn về thành phố Thanh Hoá bằng thuyền trên dòng sông Mã, du khách sẽ được chiêm ngưỡng danh lam thắng cảnh hai bên bờ sông và cùng tham gia, cùng thưởng thức những điệu hò sông Mã mạnh mẽ, khẩn trương nhưng không kém phần trữ tình qua những lời ca hóm hỉnh của các trai đò và khách đò. 3.2. Tuyến du lịch thành phố Thanh Hóa - Quảng Xương - Nông Cống - Bến En Từ thành phố Thanh Hóa qua huyện Nông Cống, du khách sẽ được thưởng thức nghệ thuật hát chèo thờ ở làng Mưng (xã Trung Thành, huyện Nông Cống). Chèo thờ làng Mưng gồm ba loại: Chèo cạn, chèo thờ và chèo đua. Chèo cạn là loại hình hát chèo chải tiêu biểu và phổ biến ở Thanh Hóa; Chèo thờ (hay trò hát thờ) - một loại hình nghệ thuật sân khấu mang tính tổng hợp với nhiều phương tiện biểu hiện khác nhau (gồm bốn vở như đã nói ở mục 2.1.3); Chèo đua là loại hình nghệ thuật vừa đua thuyền vừa hò trên sông Lãng, tạo không khí sôi động trong khi đua thuyền. Ngoài ra, nếu có thời gian du ngoạn ven sông Lãng, du khách sẽ được thưởng thức những điệu hò đối đáp giao duyên trên bến dưới thuyền với lời ca hóm hỉnh, trữ tình của các nam thanh nữ tú vùng sông nước. Đến Bến En, ngoài chiêm ngưỡng “Vịnh Hạ Long thu nhỏ” của núi rừng xứ Thanh, du khách còn được thưởng thức đêm khua luống với những tiết tấu rộn rã hoà trong tiếng khèn, tiếng khặp giao duyên ngọt ngào của các chàng trai, cô gái xinh tươi trong trang phục người Thái; Nghe câu “Hát đối đáp”, “Hát trống chiêng” giao duyên mặn nồng tình ái; Nghe câu đồng dao “Bông bê tầm phèo”, “Túp mí ti páng pạng” ngộ nghĩnh, hóm hỉnh; Nghe câu hát ru “Chậm đó ho” êm dịu nồng ấm của các chàng trai cô gái duyên dáng trong tà áo dân tộc Thổ và cùng được uống rượu cần, hát dân ca đến thâu đêm... 51 NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI 3.3. Tuyến du lịch thành phố Thanh Hóa - Lam Kinh Đây là tuyến du lịch chủ yếu dành cho khách tham quan các di tích lịch sử, văn hóa suốt dọc từ thành phố Thanh Hóa qua huyện Đông Sơn - cái nôi của các trò diễn, diễn xướng dân gian xứ Thanh, mang trong lòng nó bao làn điệu dân ca nổi tiếng như “Đi cấy”, “Cửa đóng then cài”... ; Qua huyện Triệu Sơn - nơi có dãy núi Nưa trập trùng còn ghi chiến tích thời Bà Triệu cưỡi voi đi đánh giặc; Đến Thọ Xuân - nơi uy nghi khu di tích lịch sử Lam Kinh một thời oanh liệt của nhà Lê. Đến huyện Thọ Xuân, du khách sẽ được xem chương trình nghệ thuật dân gian nổi tiếng của làng Xuân Phả (xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân), đó là trò Xuân Phả. Trò Xuân Phả gồm năm trò có hát, múa (như đã nói ở mục 2.1.3). Du khách sẽ được thưởng thức nét đặc sắc trong trang phục và hóa trang bằng mặt nạ với những động tác phóng khoáng, khỏe, thể hiện qua nhiều động tác múa, tuyến múa, đội hình múa duyên dáng, tinh tế, kín đáo nhưng cũng rất mạnh mẽ của người Việt. Trò Xuân Phả có bóng dáng của các điệu múa “Chư hầu lai triều”, “Bình Ngô phá trận” nên sẽ giúp du khách nhớ lại một thời oanh liệt của triều Lê Thánh Tông xưa. Nếu du khách thích hát giao duyên, thì ra bến sông Chu, nơi có những câu hò giao duyên trữ tình của các đôi trai gái hai bên bờ sông đối đáp vọng sang, chắc chắn bước chân du khách sẽ bịn rịn không muốn về! 3.4. Tuyến du lịch thành phố Thanh Hóa - Hậu Lộc - Nga Sơn Từ thành phố Thanh Hóa đến Hậu Lộc trên đường quốc lộ 1A vào thăm đền Bà Triệu. Nếu trong dịp lễ hội, du khách sẽ được thưởng thức những làn điệu hát văn rộn ràng, những màn rước “kiệu bay” độc đáo. Đến Nga Sơn vào động Từ Thức, du khách có thể “tìm đường lên tiên” “hỏi nàng Giáng Hương” có còn vương vấn bụi trần để cùng thưởng thức những làn điệu hát đúm, hát trống quân giao duyên trữ tình, những câu hò biển, những nhịp điệu háttrống vả rộn rã với lời ca chúc tụng du khách an khang, thịnh vượng... 3.5. Tuyến du lịch thành phố Thanh Hóa - Vĩnh Lộc - Cẩm Thuỷ - Bá Thước Trên đường đến Bá Thước, chúng ta sẽ đi qua huyện Vĩnh Lộc, du khách sẽ được chiêm ngưỡng kỳ tích thành đá của nhà Hồ uy nghi, bề thế và xem Múa đèn, hát Chèo chải, hát Văn... ca ngợi công đức của các vị thánh thần - những người có công bảo vệ quê hương đất nước, lo cho dân ấm no hạnh phúc. Đến Cẩm Thuỷ khám phá suối “cá thần” Cẩm Lương - một cảnh quan thiên nhiên kỳ thú chứa trong lòng bao huyền thoại. Điểm cuối cùng của tuyến du lịch này là huyện Bá Thước, nơi du khách sẽ đến với những làng, bản người dân tộc Mường, Thái; Đến hang mỏi Đá Điều ở làng Tráng để ngắm những thành quả tuyệt tác mà thiên nhiên đã tạo nên. Nếu nghỉ đêm lại thị trấn Cành Nàng, du khách sẽ được thưởng thức những điệu Xường, điệu Khặp đằm thắm của các chàng trai, cô gái Mường, Thái hát đối đáp giao duyên thâu đêm, mà tiêu biểu là diễn xướng xường giao duyên “Cài hoa đan trái” của dân tộc Mường; Diễn xướngkhặp “Kin chiêng boóc mạy’’ của dân tộc Thái... Những lời cahoà trong âm thanh rộn ràng, trầm hùng của tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng khèn, tiếng khua luống nơi núi rừng như níu kéo bước chân du khách. 52 NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI Ngoài các tuyến du lịch trên, ở địa bàn tỉnh Thanh cũng còn nhiều tuyến du lịch khác không kém phần hấp dẫn. Mỗi điểm đến trên các tuyến du lịch đó đều có những làn điệu dân ca, những trò diễn, diễn xướng dân gian chắc chắn sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách khi ghé thăm Thanh Hóa. 4. Một số giải pháp đưa âm nhạc dân gian vào khai thác du lịch - Tăng cường đầu tư kinh phí khôi phục, bảo lưu vốn âm nhạc dân gian để phục vụ du lịch (vấn đề này đã được bàn đến trong dự án “Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn đến năm 2020” của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. - Khảo sát tài nguyên âm nhạc dân gian xứ Thanh để xây dựng, quy hoạch, khoanh vùng bản đồ văn hóa - du lịch, góp phần làm cơ sở hoạch định chiến lược phát triển lâu dài du lịch của tỉnh. - Cần giới thiệu, quảng bá di sản và giá trị âm nhạc dân gian xứ Thanh trên các phương tiện thông tin đại chúng (nhất là Internet) để mọi người cùng biết, tạo sức hấp dẫn cho du khách trên cả nước và thế giới. - Xây dựng các tiêu chí xác định và xây dựng mô hình “làng, bản dân ca” để tổ chức biểu diễn âm nhạc dân gian của địa phương. Mô hình này giúp các nghệ nhân dân gian vừa khôi phục lại được vốn nghệ thuật truyền thống của cha ông để lại, nuôi dưỡng, bảo tồn vững chắc ở chính nơi nó sinh ra, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân, vừa phục vụ khách du lịch với phương châm “Phát huy di sản để làm ra tài sản”. - Đầu tư, khôi phục lại không gian, đạo cụ, trang phục biểu diễn để trả lại đúng môi trường diễn xướng vốn có trước đây của những làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, những trò diễn, diễn xướng, lễ hội dân gian nhằm thu hút du khách, thu ngoại tệ (đặc biệt là khách nước ngoài), như: Đóng lại những con đò dọc, tổ chức các tuyến du lịch trên sông Mã để du khách được nghe những điệu hò nổi tiếng một thời trên dòng sông huyền thoại này; Xây dựng biểu tượng cây Chu và không gian đồi Lai Ly, Lai Láng với hình thức thu nhỏ để tổ chức hát kể những chương đặc sắc của mo; Khôi phục, tôn tạo đình làng Xuân Phả để tạo không gian hát và múa ngũ trò Xuân Phả... - Nhà nước cần đầu tư hoặc có cơ chế chính sách để kêu gọi các nhà đầu tư (tổ chức và cá nhân) trong nước cũng như nước ngoài bỏ vốn để xây dựng các công trình văn hoá, công viên giải trí. Tổ chức cho các nghệ nhân dân gian, các làng dân ca, câu lạc bộ, đoàn nghệ thuật biểu diễn, tạo môi trường cho đẩy mạnh hoạt động dịch vụ du lịch. 5. Kết luận Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung, âm nhạc dân gian nói riêng nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội là những đòi hỏi cấp bách của cuộc sống. Tiềm năng âm nhạc dân gian xứ Thanh rất phong phú và đa dạng, điều này không thể phủ nhận, nhiệm vụ của chúng ta là phải làm cho nó trở thành “sản phẩm hàng hoá đặc biệt” và là nguồn lực phát triển văn hoá, du lịchđể thu hút đông đảo du khách, góp phần tăng nguồn thu cho người dân, nguồn ngân sách cho địa phương và tỉnh. Song, đưa âm nhạc dân gian vào phục vụ khách du lịch không phải là “có sao làm vậy” mà chúng ta phải biết chọn lọc và vận dụng sáng tạo trong công tác tổ chức và biểu diễn, để 53 NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI vừa tạo được sức hấp dẫn cho du khách nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Để làm được điều này cần có sự chỉ đạo sát sao của Sở Văn hoá, Thể thao va Du lịch cùng các nhà chuyên môn và sự quan tâm, tạo điều kiện mọi mặt của các cấp, các ngành, của toàn xã hội. Với nguồn lực sẵn có và sự quyết tâm của tất cả chúng ta, chắc chắn ngành du lịch Thanh Hóa sẽ đạt được kết quả tốt, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới. Tài liệu tham khảo [1]. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa, Địa chí Thanh Hóa, tập 1, 2, 3, Nxb Văn hóa Thông tin. [2]. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, dự án “Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn đến năm 2020”. [3]. Nhóm Lam Sơn (Vũ Ngọc Khánh cb) (1965), Dân ca Thanh Hóa, Nxb Văn học Hà Nội. [4]. Nguyễn Liên (cb), Hoàng Minh Tường (2017), Âm nhạc dân gian xứ Thanh, Nxb Mỹ thuật. FOLK MUSIC IN TOURISM ACTIVITIES IN THANH HOA Nguyen Lien, M.A Abstract: Thanh Hoa is large and populous with 7 ethnic minorities and 4 economic regions. Each region and each ethnic group has created a colorful picture of lifestyle, beliefs, arts and culture... including folk music. Folk music in Thanh Hoa is considered to be a special product of tourism. Keywords: folk music; tourism exploitation; Thanh Hoa Người phản biện: TS. Tạ Thị Thủy (ngày nhận bài 19/3/2019; ngày gửi phản biện 19/3/2019; ngày duyệt đăng 30/9/2019). 54
File đính kèm:
- am_nhac_dan_gian_voi_hoat_dong_du_lich_o_thanh_hoa.pdf