Những điều cấm kỵ trong một kịch bản
Không rõ ràng
Tác giả có thể muốn viết nhiều chuyện về nhân vật : lý lịch cá nhân , tư tưởng
, hành động , nhưng không trình bày được rõ ràng .
Ví dụ , có câu viết như thế này : Anh A có cảm giác mình bị phản bội. Nhưng
khán giả sẽ thấy gì để biết được nhân vật có cảm giác ấy?
Hoặc là : X , anh trai của Y. Làm sao chúng ta hiểu được như thế ? Không
có gì giải thích , chúng ta có thể lầm tưởng X là chồng , hay là bạn.
Tác giả thường quên rằng người đọc không phải là mình , nên đã viết một
cách dễ dãi , diễn tả bằng lời lẽ suông , không phải bằng hành động .
Nên nhớ rằng trong điện ảnh , tác giả phải suy nghĩ và viết bằng những hình
tượng thị giác .
Trang 1
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Tải về để xem bản đầy đủ
Tóm tắt nội dung tài liệu: Những điều cấm kỵ trong một kịch bản
Những điều cấm kỵ trong một kịch bản Những truyện phim đặc sắc luôn cho chúng ta cảm thấy không có những hạt sạn, những lỗi lầm về nội dung lẫn hình thức . Qua nhận xét của một số tác giả chuyên nghiệp, sau đây là những lỗi lầm thường gặp trong khá nhiều truyện phim. ****************************************** Không rõ ràng Tác giả có thể muốn viết nhiều chuyện về nhân vật : lý lịch cá nhân , tư tưởng , hành động , nhưng không trình bày được rõ ràng . Ví dụ , có câu viết như thế này : Anh A có cảm giác mình bị phản bội. Nhưng khán giả sẽ thấy gì để biết được nhân vật có cảm giác ấy? Hoặc là : X , anh trai của Y... Làm sao chúng ta hiểu được như thế ? Không có gì giải thích , chúng ta có thể lầm tưởng X là chồng , hay là bạn. Tác giả thường quên rằng người đọc không phải là mình , nên đã viết một cách dễ dãi , diễn tả bằng lời lẽ suông , không phải bằng hành động . Nên nhớ rằng trong điện ảnh , tác giả phải suy nghĩ và viết bằng những hình tượng thị giác . ****************************************** Nội dung mỏng , chẳng có gì. Trường hợp có thể xảy ra: Xem phim xong, khán giả cảm thấy như mình bị lừa phỉnh , đã bõ công theo dõi trên màn ảnh một câu chuyện chẳng có gì. Tác giả Vale đã đưa ra một ví dụ điển hình khi nhắc đến phim Ngờ vực của Hitchcock , đạo diễn nổi tiếng về phim kinh dị. Trong phim này, Joan Fontaine đóng vai vợ và Cary Grant đóng vai chồng. Người vợ mỗi lúc cứ bị ám ảnh rằng chồng mình có âm mưu muốn giết mình, nhưng kết cuộc vỡ lẽ ra là không phải vậy . Nhà lý luận Vale đã phê bình phim ấy: Rất nhiều khán giả thấy không hài lòng sau khi xem phim, bởi vì trong phim không có điều gì thay đổi một khi mâu thuẫn đã được giải quyết . Cary Grant và Joan Fontaine vẫn là đôi vợ chồng hạnh phúc lúc mở đầu và lúc kết phim. Cảm giác không vừa lòng nơi khán giả càng tăng thêm, vì mâu thuẫn đã nảy sinh ra từ nguồn gốc tưởng tượng không cụ thể. Khán giả có cảm giác bị lôi cuốn vào một phim gây hồi hộp thiếu nền tảng , không có hiệu quả tích cực. Tâm lý chung của phần đông khán giả khi xem phim là muốn được thưởng thức một câu chuyện lý thú. Sở dĩ có lúc họ cảm thấy bất mãn , chính là vì có khoảng cách giữa hình thức và nội dung. Hình thức kể chuyện dù có hay, nhưng nếu nội dung quá mỏng, thì khán giả sẽ không hài lòng . (Ở đây , chúng ta không kể lập trường của một số người bị chinh phục bởi xu hướng thời thượng của nước ngoài: Trong phim, quan trọng không phải là nội dung , mà là hình thức thể hiện). ****************************************** Những chuyện khó tin Đôi khi tác giả đưa chuyện thật ngoài đời vào truyện phim, nhưng người đọc cho là chuyện khó tin, bởi vì thấy không hợp lý trong diễn tiến đường dây câu chuyện chính. Từ thời xa xưa, đã có những cuộc luận bàn về chuyện thật và chuyện như thật trong tác phẩm văn học. Triết gia Hy-lạp Aristote chủ trương: Nên chọn chuyện không có xảy ra mà giống như thật (adunata eikota) hơn là chuyện có thể xảy ra mà khó tin (dunata epithana). Về sau, nhà văn Pháp Boileau cũng có lời khuyên tương tư: Đừng bao giờ cung cấp chuyện khó tin. Đôi khi chuyện thật không phải là chuyện tin được. Những nhận xét trên rất đúng! Trước khi quyết định đưa một việc thật ngoài đời vào truyện phim, bạn hãy cân nhắc kỹ xem việc ấy có thích hợp không, có thể tin được không? ****************************************** Những thành phần vô ích Chúng ta thường thấy trong một số phim những nhân vật, những chi tiết không ăn nhập vào đâu, sau đó lại biến mất. Đó là những thành phần vô ích, chẳng những không đóng góp gì vào truyện phim, mà còn làm mờ nhạt truyện phim. Nữ đạo diễn Việt Linh đã kể lại một câu chuyện thú vị : Nhớ mãi thời đi học, khi trình chiếu bộ phim thực tập trong đó có cảnh bãi dừa nước xanh non giữa bình minh lấp lánh. Lúc xem phim thầy bỗng hỏi: - Tại sao em dựng cảnh đó vô phim? - Vì nó đẹp, em thích! - Nếu thích thì bóc ra, cất vô trong rương làm kỷ niệm, còn ở đây nó không cần thiết, phá hỏng cảm xúc bi kịch. Đó là bài học nhớ đời của Việt Linh, và cũng nên là bài học thấm thía cho các bạn trẻ mới làm phim, hoặc bắt đầu viết kịch bản điện ảnh . ****************************************** Những lỗ hổng Theo các nhà làm phim chuyên nghiệp, lỗ hổng là sự sai sót, bất hợp lý trong đường dây một truyện phim, do tác giả lười biếng hoặc khinh xuất . Ví dụ về phim Di chúc của bác sĩ Mabuse (đạo diễn Fritz Lang), người xem thấy trong bản phát hành lần thứ nhất có đoạn diễn thanh tra Lohmann reo mừng khi thấy một nhân vật quan trọng: Ông Kent đây rồi!. Nhưng trước đó không có điều gì báo cho khán giả hiểu rằng Lohmann đã quen biết Kent. Trong bản phim phát hành lần thứ hai đầy đủ hơn, lỗ hỗng nầy được lấp lại với câu thoại của cô Lily tiết lộ mối quan hệ giữa Kent và Lohmann . Sau khi xem những phim vướng phải lỗ hỗng khán giả có thể thắc mắc với ít nhiều bất mãn . Họ tự nêu lên những câu hỏi : - Vậy cô Yến là con của ai ? Kẻ chuyên môn lừa gạt ấy sao không bị trừng phạt ? Tên Johny đã làm rơi mất cây súng của hắn rồi, tại sao hắn còn dùng súng đó giết người được ? Một ví dụ khác về lỗ hỗng trong phim Đã mất hết rồi của Molinaro: Hai kẻ thông đồng giả dạng khách bình thường đi vào một ngân hàng để dò xét trước khi cướp của. Giám đốc ngân hàng đã thấy họ lảng vảng, vậy mà vẫn tiếp một người không chút nghi ngờ, để cho người kia chỉa súng trấn áp. Khán giả nghĩ là ông giám đốc ấy quá khờ khạo, hoặc là chuyện xảy ra vô lý. Theo nhà lý luận Herman, muốn tránh được những lỗ hỗng trong truyện phim, tác giả sẽ tùy theo từng trường hợp nên dùng một trong các biện pháp sau đây: + Nối liền chặt chẽ đường dây câu chuyện . + Đưa vào chuyện mọi sự trùng hợp một cách lôgích . + Tránh những tình trạng trái ngược giữa các sự kiện được lặp lại. + Khi sử dụng các nhân vật, đưa họ vào chuyện , cũng như đưa họ ra, phải lựa chọn đúng lúc và hợp lý. + Nên giải thích khéo sự vắng mặt tạm thời cuả nhân vật bằng cách này hoặc cách khác. Bổ sung cho quan niệm trên, đạo diễn Hitchcock lập luận rằng nếu muốn lấp lỗ hỗng trong đường dây truyện phim, thì lại tạo nên lỗ hỗng khác trong kịch tính. Bởi vì nếu tác giả muốn giải thích mọi chuyện cho khán giả hiểu, phim sẽ dài dòng , mất đi nhịp điệu khẩn trương. Thiết nghĩ, vấn đề nan giải ở đây thuộc về phạm vi khả năng và kinh nghiệm của đạo diễn cùng tác giả truyện phim. Trong điện ảnh, không ai giải thích hết mọi chuyện. Thời gian và những sự việc ngoài đời luôn được rút ngắn, đốt giai đoạn trong phim, bằng phương pháp tĩnh lược (ellipse) . Tài năng của các tác giả là làm thế nào không nói hết mà người xem phim vẫn hiểu và hài lòng . ****************************************** Lạm dụng kỹ thuật phục hiện. Phục hiện (Flash-back) là phương thức được dùng trong điện ảnh để thuật lại chuyện đã xảy ra trước, hoặc để cho nhân vật nhớ lại những kỷ niệm đã qua. Những đoạn phim phục hiện thường được báo cho khán giả biết bằng những hình ảnh mờ dần, tỏ dần, hoặc hình ảnh chồng nhau rồi rõ dần, hoặc bằng cách thay đổi hẳn màu sắc hình ảnh, và cũng có khi sử dụng những lời đối thoại giải thích của nhân vật. Trong nhiều trường hợp khác, những cảnh phục hiện vẫn được các nhà đạo diễn dùng kỹ thuật hình ảnh và âm thanh bình thường, không cần báo trước đó là thời quá khứ. Như thế khán giả sẽ có được cái thú tự tìm hiểu, mặc dù có thể lẫn lộn trong một lúc với thời hiện tại. Hầu như mỗi phim đều ít ra cũng có một vài cảnh phục hiện. Qua những phim khác nhau, chúng ta có thể phân biệt nhiều loại phục hiện: + Phục hiện khám phá: Nhờ những cảnh phục hiện, khán giả biết được những điều bí mật của một nhân vật còn đang sống hay đã qua đời. Trong phim các nhân chứng kể lại những câu chuyện thuộc về quá khứ của nhân vật ấy, nhờ đó khán giả khám phá dần sự thật. Loại phục hiện khám phá nầy thường được thấy trong những phim của các đạo diễn nổi tiếng: Công dân Kane của Orson Welles, Bà nam tước đi chân không của Joseph Mankiewicz, Đàn ông yêu đàn bà của Francois Truffaut, Lola Montès của Max Ophuls. + Phục hiện đối chất Đây là một thứ biến dạng của loại phục hiện trên. Những lời kể, những hồi ức của vài ba nhân vật về một chuyện đã xảy ra với những chi tiết lặp lại khác nhau, khiến cho người theo dõi phải so sánh, suy nghĩ để tìm ra sự thật. Ví dụ : Trong phim Người đã giết Liberty Valance của John Ford, đoạn phục hiện thứ hai đã tiết lộ sự thật về hành động thanh toán tên tướng cướp, sự thật nầy được giấu kín trong đoạn phục hiện thứ nhất: không phải vị luật sư (James Stewart) đã giết được Liberty Valance, mà là một người đàn ông khác núp trong bóng tối đã nổ súng cùng một lúc. Ví dụ khác rất độc đáo về phục hiện đối chất : Trong phim Rashomon của Akira Kurosawa, một vụ cưỡng dâm và án mạng lần lượt được khai báo từ ba người trong cuộc và một nhân chứng: người vợ bị cưỡng hiếp, hồn người chồng đã chết, tên cươp gây tội ác và gã tiều phu có mặt ở hiện trường. Mỗi người kể lại những chi tiết khác nhau. Tất cả những lời lẽ của họ đều không hoàn toàn đúng với sự thật, bởi vì mỗi người đều muốn giữ uy tín riêng của mình khi kể chuyện. Khán giả phải suy nghĩ để tìm ra chân lý. + Phục hiện giải quyết Loại phục hiện này thỉnh thoảng được gặp ở phần cuối phim để kết thúc câu chuyện. Ví dụ : Một tội phạm sắp ra pháp trường, hoặc một tên cướp bị bắn gục sắp tắt thở, thoáng nhớ lại những gì đã đẩy họ tới kết cục bi thảm ấy. + Phục hiện ký ức Loại này thường được dùng để giải thích rõ hoàn cảnh, để nhấn mạnh một vài chi tiết, hoặc để ghi lại sự lưu luyến dĩ vãng . Ví dụ : Trong phim Những quả dâu rừng của Ingmar Bergman, một giáo sư già đi lang thang trở về quá khứ để tìm lại thời tuổi trẻ của mình. Những cảnh phục hiện được sử dụng một cách dè xẻn, đúng lúc, đều có thể giúp cho phim thêm sinh động. Trái lại, nếu những cảnh phục hiện bị lạm dụng quá mức như trong một số phim thường thấy, đặc biệt trong những phim dài nhiều tập, thì đó là nhược điểm. Những cảnh cũ được lặp lại nhiều lần không thay đổi sẽ gây ra sự nhàm chán cho khán giả, đồng thời còn làm hại cho nhịp điệu tiến triển của bộ phim. ****************************************** Sự trùng hợp ngẫu nhiên Trong khá nhiều phim, khán giả thường thấy những chuyện trùng hợp như thế này: một nhân vật đang bị hiểm nguy thì có người đến cứu thoát. Lắm lúc tác giả phim xếp đặt những sự kiện ngẫu nhiên quá dễ dãi, khiến cho khán giả phải bật cười. Ví dụ: Nhân vật bị trói trong phòng kín, tình cờ lại nhặt được một con dao nằm trong tầm tay. Theo tác giả Swain nhật xét, và điều này đúng: Khán giả dễ chấp nhận những sự việc đẩy nhân vật vào hoàn cảnh khó khăn, nhưng rất khắt khe đối với việc cứu nguy nhân vật. Vì thế, tác giả nên rất thận trọng trong việc chọn lựa và sắp xếp hoàn cảnh ngẫu nhiên. Một ví dụ khá thú vị về sự trùng hợp ngẫu nhiên trong phim Một căn phòng trong thành phố của Jacques Demy: Francois là thợ luyện kim, đã thuê được một căn phòng nhỏ trong nhà một bà nam tước tính tình kỳ quặc. Tình cờ Francois làm quen được Edith, rồi tình yêu đến với hai người. Sau đó, Francois khám phá ra Edith chính là con gái của bà nam tước, và căn phòng anh đang ở chính là phòng riêng của Edith trước kia khi cô còn nhỏ. Về mặt tình cảm, sự trùng hợp này rất quan trọng đối với Francois, tuy ngẫu nhiên nhưng khán giả chấp nhận được, vì coi đó là số phận khiến cho hai người gặp nhau rồi yêu nhau, cùng nhau gánh chịu những điều bất hạnh xảy ra sau này. ****************************************** Nhân vật yếu Khán giả có cảm giác phim dở phần lớn là do nhân vật yếu kém. Rất nhiều trường hợp nhân vật bị tác giả sáng tạo một cách hời hợt ngay từ lúc cấu trúc truyện phim : + Nhân vật bù nhìn. + Nhân vật có mặt trong phim để nói lên ý đồ của tác giả, chứ không có đời sống đích thực. + Nhân vật quá đơn giản. + Nhân vật chỉ là những hình hài không có cá tính. + Nhân vật không thích nghi với hoàn cảnh. + Nhân vật hoặc là quá thụ động , hoặc là cường điệu. + Nhân vật không hợp với vai trò trong phim. Ví dụ : Người nông dân ở thôn quê lại có cách sống và hoạt động như công nhân ở thành phố. Người trẻ lại cư xử với thái độ và lời lẽ như những ông già, bà lão ... + Nhân vật biến chuyển đột ngột. + Nhân vật đang nghèo khổ bỗng nhiên trở nên giàu có. Nhân vật trước kia thô lỗ cộc cằn, về sau trở nên rất hiền lành, tốt bụng , mà không có lý do chính đáng. Tất cả đều do ý muốn thiếu cân nhắc của tác giả truyện phim. + Nhân vật khó hiểu. Có lúc nhân vật rất ích kỷ, lúc khác lại tỏ ra phóng khoáng đối với người được tiếp xúc. Hoặc là nhân vật thường tính toán đâu ra đó, có lúc lại rất hời hợt cẩu thả. + Nhân vật phản ứng và hành động một cách rất vô lý. Ví dụ: Biết rằng bị bạn lừa gạt, làm hại mình, mà vẫn đối xử lại tốt, và không mất lòng tin. Loại nhân vật này thường là để phục vụ ý đồ của tác giả truyện phim khi không biết giải quyết vấn đề thế nào cho ổn. + Nhân vật ngu ngốc hoặc khờ khạo. Chuyện rất dễ xử lý, mà nhân vật cứ loay hoay mãi, chẳng biết làm sao, hoặc là nhân vật tốn rất nhiều công sức để theo đuổi một việc không đáng làm. Không có sự phân biệt rõ giữa các nhân vật . Họ giống nhau quá , cá tính và cách cư xử ai cũng vậy , tưởng chừng như có thể thay đổi vị trí họ bất cứ lúc nào . Chuyện thường gặp là có vài ba nhân vật xuất hiện với hình dáng và y phục không khác nhau mấy , khiến cho khán giả dễ bị nhầm lẫn . ****************************************** Giải thích bằng đối thoại Không ít trường hợp tác giả truyện phim cho các nhân vật thốt lên những lời nói nhằm mục đích thông báo cho khán giả biết một chuyện gì , thay vì đó phải là những lời đối thoại tự nhiên giữa các nhân vật . Ví dụ : Tôi là chồng của Yến, con người phản bội, tôi sẽ giết đôi gian phu dâm phụ... Để tránh lỗi lầm như vậy, khi chuẩn bị phim Những chuyện kể đêm trăng mờ đạo diễn Mizoguchi đã dặn dò tác giả truyện phim Yoda: Hãy tránh việc đối thoại thuyết minh cho hoàn cảnh. Tôi nghĩ rằng nên cắm sâu thói quen hành động vào cá tính của nhân vật. Trong cảnh thuyền trên hồ, đối thoại vẫn có vẻ giải thích hơi nhiều. Ở chỗ khác, những lời: Tôi sẽ giết...nên được thay thế bằng một cử chỉ đe dọa. Còn nữa, câu nói: Trận chiến có vẻ bất đầu không tạo được sự căng thẳng. Tôi đề nghị thay vào lời nói ấy bằng cảnh lửa cháy. Đạo diễn Mizoguchi kết luận: Phải làm sao cho lời nói và hành động ăn khớp với tình cảm của nhân vật. Phải dùng những chi tiết xúc động chứ không phải là những lời thuyết minh. ****************************************** Sự lệch đường Thỉnh thoảng xảy ra sự lệch đường khác với ý chính lúc đầu của truyện phim, như từ nhân vật này chuyển qua nhân vật khác, đường dây câu chuyện này đi qua câu chuyện khác. Sự lệch đường như thế có thể là nhược điểm của truyện phim, thường xảy ra vì tác giả đưa vào chuyện quá nhiều chi tiết, khiến cho không giữ được phương hướng chính. Tuy nhiên, cũng có khi sự lệch đường là do ý muốn cố tình của tác giả, và tác giả có thể thành công. Ví dụ, với phim Loạn tâm thần, đạo diễn Hitchcock đã cố ý thoát khỏi nguyên tắc thông thường: Phần kết thúc phải giải đáp phần mở truyện. Phim này bắt đầu bằng chuyện một phụ nữ là một kẻ trộm đáng thương. Người phụ nữ này chỉ xuất hiện trong gần nửa phim thì chết đi, trọng tâm câu chuyện được chuyển qua nhân vật khác là người đàn ông trẻ quản lý khách sạn, nơi người phụ nữ bị giết. ****************************************** Sự trì trệ Có sự trì trệ là khi nào trong một đoạn phim khá dài không thấy câu chuyện tiến triển, không có hành động nào nổi bật, sự đối kháng giữa các nhân vật quá mờ nhạt, hoàn cảnh cứ lặp đi lặp lại, không có thông tin gì mới. Tình trạng trì trệ như thế dễ gây sự chán nản đối với người xem phim. Sự trì trệ có thể do tác giả truyện phim bỏ qua không dùng khả năng tạo nên những khoảnh khắc nổi bật, gây hồi hộp và chờ đợi nơi khán giả. Ví dụ về phương pháp gây hồi hộp, trong phim Chuyên nghiệp của đạo diễn Patrice Leconte : Hai kẻ trộm lấy được một chiếc xe hơi, thấy xe gần hết xăng, phải cấp tốc vào trạm đổ xăng. Nhân viên trạm xăng xin chìa khóa để mở thùng xăng. Hai tên trộm lính quýnh sợ bị lộ, nhưng một tên nhanh trí nói liều: - Thùng xăng không khóa. Cả hai hồi hộp chờ đợi. Thùng xăng được mở ra dễ dàng. Chuyện không có gì gay cấn, nhưng vẫn gây được không khí khẩn trương. ****************************************** Kết cuộc yếu Kết cuộc của một bộ phim rất quan trọng, vì theo quan niệm thông thường nó phải giải quyết vấn đề chính đã nêu ra, và sẽ được khán giả chú ý, nhớ đến nhiều hơn hết sau khi xem phim. Vì thế, kết cuộc nếu yếu kém, sẽ làm hỏng phim. Kết cuộc có thể yếu vì nhiều lý do: + Kết cuộc từ trên trời rơi xuống. Không có sự chuẩn bị trước, thình lình xuất hiện một sự kiện, một lực lượng nào đó để kết thúc hoàn cảnh khó giải quyết. Ví dụ: Hai bên địch thủ đang chiến đấu với nhau dữ dội, bên phản diện có phần thắng thế và bên chính diện gần như tuyệt vọng, thì lực lượng cảnh sát ào tới kịp thời cứu nguy. + Kết cuộc theo kiểu đuôi cá. Truyện phim dứt đột ngột, không giải quyết vấn đề đã nêu ra. Ví dụ : Trong phim Những tia sáng mặt trời trên đảo Pâques của Pierre Kast, bảy nhân vật nghề nghiệp khác nhau bổ sung cho nhau, được đưa đến đảo Pâques để thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt. Câu chuyện tiến triển với sự chuẩn bị công phu, nhưng đột ngột lại chấm dứt ngang, khán giả không biết kết cuộc sẽ ra sao. Một số phim, vì bị kiểm duyệt, hoặc vì thời lượng quá dài cần phải cắt bớt theo yêu cầu của nhà sản xuất, khiến cho kết cuộc ngưng ngang theo kiểu đuôi cá ( tiếng lóng trong nghề nghiệp), dĩ nhiên là không thỏa mãn được người xem. + Kết cuộc kéo dài. Trong một vài trường hợp, sau khi giải quyết vấn đề chính xong, các tác giả phim còn muốn giải quyết thêm các vấn đề phụ. nên phải kéo dài phần kết thúc. Điều này nên tránh. Bởi vì gần cuối phim, sau khi cao trào đã chùng xuống để chấm dứt, lúc ấy tâm lý chung của khán giả là nghĩ rằng phim sắp kết thúc. Nếu đến đây phim còn kéo dài, đương nhiên sẽ làm cho khán giả sốt ruột, muốn ra về sớm. Đến đây, chúng ta hãy tạm ngưng để kết luận: Không thể kể hết những lỗi lầm lớn nhỏ, những hạt sạn khó thể chấp nhận trong một tác phẩm điện ảnh hoàn chỉnh. Muốn tránh được lỗi lầm, các bạn nên nhớ nguyên tắc chung: mọi lý lẽ, hoàn cảnh, kịch tình trong truyện phim đều phải rất cần thiết, ngắn gọn và rõ ràng.
File đính kèm:
- nhung_dieu_cam_ky_trong_mot_kich_ban.pdf