Giáo trình Tâm lý học trẻ em (Từ lọt lòng đến 6 tuổi)
Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta ít nhiều đã làm quen với từ "tâm lý" như "bạn thật tâm lý", "bạn
không tâm lý tí nào". Từ "tâm lý" ở đây được dùng với nghĩa là hiểu biết được tâm tư, nguyện vọng, ước
muốn, tình cảm, thái độ. của con người.
Tâm lý hiểu với nghĩa như trên là đúng, nhưng chưa đủ. Tâm lý trong khoa học còn bao gồm cả các hiện
tượng như nhìn, nghe, sờ, ngửi, suy nghĩ, tưởng tượng, chú ý, nhớ, thói quen, ý chí, chí hướng, khả năng,
lý tưởng sống. Nói một cách khái quái tâm lý bao gồm tất cả các hiện tượng tinh thần nảy sinh, tồn tại
(xảy ra) trong đầu óc con người, điều hành mọi hành động, hoạt động của con người.
Nói hiện tượng tâm lý vốn nảy sinh, tồn tại trong "đầu óc con người", nhưng không có nghĩa là chính
người đó biết rõ tất cả các hiện tượng đó. Có những hiện tượng tâm lý mà bản thân biết được gọi là hiện
tượng tâm lý có ý thức (ý thức), còn có những hiện tượng tâm lý bản thân không biết đến gọi là hiện tượng
tâm lý không được ý thức (hay còn gọi là vô thức). Nhưng rõ ràng các hiện tượng tâm lý được nảy sinh dù
chủ thể biết rõ hay không cũng đều tham gia điều hành mọi hoạt động, hành động của con người, nó định
hướng cho hoạt động, thúc đẩy hoạt động, điều khiển, kiểm soát hoạt động và điều chỉnh hoạt động khi
cần thiết. Như khi ta nhìn thấy ôtô đang đến gần thì ta dừng lại không qua đường, khi nghĩ ra một điều gì
đó khiến ta bắt tay vào hoạt động, do "thói quen" tính nết khiến ta ứng xử theo cách này mà không theo
cách khác.
Trang 1
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Tải về để xem bản đầy đủ
Tóm tắt nội dung tài liệu: Giáo trình Tâm lý học trẻ em (Từ lọt lòng đến 6 tuổi)
1 TÀI LIỆU LƯU HÀNH NỘI BỘ TÂM LÝ HỌC TRẺ EM (Từ lọt lòng đến 6 tuổi) TÀI LIỆU DÙNG CHO HỆ TRUNG CẤP Người biên soạn: TS. Nguyễn Thị Ngọc 2 MỤC LỤC Phần một. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG CỦA TÂM LÝ HỌC TRẺ EM Chương 1. TÂM LÝ HỌC VÀ TÂM LÝ HỌC TRẺ EM I. Đối tượng của tâm lý học và tâm lý học trẻ em II. Bản chất của hiện tượng tâm lý III. Ý nghĩa của tâm lý học trẻ em và mối quan hệ của nó với các khoa học khác IV. Phương pháp nghiên cứu của tâm lý học trẻ em Chương 2. CÁC HIỆN TƯỢNG TÂM LÝ CƠ BẢN I. Hoạt động II. Giao lưu III. Nhân cách IV. Ngôn ngữ V. Nhận cảm VI. Trí nhớ VII. Tư duy VIII. Tưởng tượng IX. Chú ý X. Xúc cảm, tình cảm XI. Ý chí Chương 3. NHỮNG QUY LUẬT CƠ BẢN CỦA SỰ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ Ở TRẺ EM I. Thế nào là sự phát triển tâm lý trẻ II. Những quy luật cơ bản của sự phát triển tâm lý trẻ Phần hai. ĐẶC ĐIỂM PHÁT TRIỂN TÂM LÝ THEO TỪNG LỨA TUỔI TRẺ EM Chương 4. ĐẶC ĐIỂM PHÁT TRIỂN TÂM LÝ LỨA TUỔI HÀI NHI I. Đặc điểm tâm lý của lứa tuổi hài nhi II. Biện pháp giáo dục Chương 5. ĐẶC ĐIỂM PHÁT TRIỂN TÂM LÝ LỨA TUỔI ẤU NHI I. Đặc điểm tâm lý lứa tuổi ấu nhi II. Biện pháp giáo dục Chương 6. ĐẶC ĐIỂM PHÁT TRIỂN TÂM LÝ LỨA TUỔI MẪU GIÁO I. Đặc điểm tâm lý lứa tuổi Mẫu giáo II. Biện pháp giáo dục Tài liệu tham khảo 3 Phần 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG CỦA TÂM LÝ HỌC TRẺ EM Chương 1. TÂM LÝ HỌC VÀ TÂM LÝ HỌC TRẺ EM I. ĐỐI TƯỢNG CỦA TÂM LÝ HỌC VÀ TÂM LÝ HỌC TRẺ EM 1. Tâm lý, các loại hiện tượng tâm lý 1.1. Khái niệm tâm lý Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta ít nhiều đã làm quen với từ "tâm lý" như "bạn thật tâm lý", "bạn không tâm lý tí nào". Từ "tâm lý" ở đây được dùng với nghĩa là hiểu biết được tâm tư, nguyện vọng, ước muốn, tình cảm, thái độ... của con người. Tâm lý hiểu với nghĩa như trên là đúng, nhưng chưa đủ. Tâm lý trong khoa học còn bao gồm cả các hiện tượng như nhìn, nghe, sờ, ngửi, suy nghĩ, tưởng tượng, chú ý, nhớ, thói quen, ý chí, chí hướng, khả năng, lý tưởng sống... Nói một cách khái quái tâm lý bao gồm tất cả các hiện tượng tinh thần nảy sinh, tồn tại (xảy ra) trong đầu óc con người, điều hành mọi hành động, hoạt động của con người. Nói hiện tượng tâm lý vốn nảy sinh, tồn tại trong "đầu óc con người", nhưng không có nghĩa là chính người đó biết rõ tất cả các hiện tượng đó. Có những hiện tượng tâm lý mà bản thân biết được gọi là hiện tượng tâm lý có ý thức (ý thức), còn có những hiện tượng tâm lý bản thân không biết đến gọi là hiện tượng tâm lý không được ý thức (hay còn gọi là vô thức). Nhưng rõ ràng các hiện tượng tâm lý được nảy sinh dù chủ thể biết rõ hay không cũng đều tham gia điều hành mọi hoạt động, hành động của con người, nó định hướng cho hoạt động, thúc đẩy hoạt động, điều khiển, kiểm soát hoạt động và điều chỉnh hoạt động khi cần thiết. Như khi ta nhìn thấy ôtô đang đến gần thì ta dừng lại không qua đường, khi nghĩ ra một điều gì đó khiến ta bắt tay vào hoạt động, do "thói quen" tính nết khiến ta ứng xử theo cách này mà không theo cách khác. 1.2. Các loại hiện tượng tâm lý Có ba loại hiện tượng tâm lý: 1.2.1. Các quá trình tâm lý Là hiện tượng tâm lý diễn ra trong thời gian tương đối ngắn (vài giây, vài giờ) có mở đầu, có diễn biến và kết thúc. Có ba loại quá trình tâm lý: + Quá trình nhận thức: Bao gồm các quá trình như cảm giác, tri giác, trí nhớ, tư duy, tưởng tượng v.v... + Quá trình cảm xúc: Thích, ghét, dễ chịu, khó chịu, yêu thương, bực tức, căm thù. + Quá trình ý chí: Như đặt mục đích, đấu tranh tư tưởng, tham vọng... 1.2.2. Các trạng thái tâm lý Là hiện tượng tâm lý diễn ra trong thời gian tương đối dài (hàng giờ, hàng tháng) thường ít biến động, luôn đi kèm theo các quá trình tâm lý, làm tăng hay giảm tính hiệu quả của chúng. Chẳng hạn như chú ý, phân vân, tâm trạng, ganh đua, nghi hoặc... 1.2.3. Các thuộc tính tâm lý 4 Là hiện tượng tâm lý hình thành lâu dài và kéo dài rất lâu, có khi suốt đời và tạo thành nét riêng của cá nhân, chi phối các quá trình và trạng thái tâm lý của người ấy như: Tính tình, tính nết, thói quen, quan điểm, hứng thú, năng lực, lý tưởng sống, sở trường... Trong mỗi con người các hiện tượng tâm lý gắn bó mật thiết với nhau, ảnh hưởng qua lại với nhau tạo thành đời sống tâm lý trọn vẹn ở mỗi người. Các hiện tượng tâm lý dù là quá trình hay trạng thái, thuộc tính tâm lý đều gắn bó chặt chẽ với hoạt động con người, nó xuất hiện, diễn biến và thể hiện trong điều kiện cụ thể một hoạt động nào đó của con người, là chất liệu hình thành nhân cách người ấy. 2. Đối tượng của tâm lý học và tâm lý học trẻ em 2.1. Đối tượng của tâm lý học Tâm lý học là một khoa học nghiên cứu về tâm lý con người. Những hiện tượng tâm lý, những quá trình phát sinh và phát triển của chúng, những nét tâm lý cá nhân và những đặc điểm tâm lý hoạt động của con người là đối tượng nghiên cứu của tâm lý học. Như vậy, khoa học này nghiên cứu một vấn đề quan trọng đối với con người và xã hội ("cái điều hành hành động, hoạt đ ... tắc hành vi thường đối với trẻ chỉ là phương tiện để trẻ duy trì mối quan hệ qua lại tích cực giữa mình với người lớn xung quanh. Sau rồi do được tán thưởng, khen ngợi mà đứa trẻ vui vẻ thực hiện những hành vi đó như là một sự bắt buộc của người lớn, một nghĩa vụ xã hội, tức là trẻ hiểu được ý nghĩa xã hội của những hành vi này. Chẳng hạn đối với câu hỏi: "Tại sao không được đánh bạn?", nếu trẻ mẫu giáo bé trả lời: "Không được đánh nhau, đánh nhau sẽ bị phạt!" thì trẻ mẫu giáo nhỡ lại trả lời: "Không được đánh nhau với bạn vì cô dặn là phải thương yêu bạn". Từ tuổi mẫu giáo nhỡ những động cơ "xã hội" muốn làm một cái gì đó cho người khác, mang lại lợi ích cho người khác - bắt đầu chiếm vị trí ngày càng lớn trong số các động cơ đạo đức. Trong thời kỳ này trẻ đã hiểu rằng những hành vi của chúng có thể mang lại lợi ích cho những người khác và chúng bắt đầu thực hiện những công việc vì người khác theo sáng kiến riêng của mình. Nhưng muốn như vậy, người lớn cần phải làm sao để trẻ có thể hình dung được những việc mình làm quả là có đem lại niềm vui cho những người mà mình cần phải quan tâm. Chẳng hạn muốn cho trẻ mẫu giáo hoàn thành được công việc làm đồ chơi tặng các em nhỏ ở nhà trẻ nhân dịp tết Trung thu thì cô giáo phải kể cho chúng nghe dưới một hình thức rõ ràng giàu hình tượng về sự thèm khát có đồ chơi của những em nhỏ ở nhà trẻ, về sự bất lực của 97 các em nhỏ, về niềm vui sướng của các em nhỏ đó khi nhận được quà Trung thu do các anh chị mẫu giáo gửi cho. Dần dần sau này về cuối tuổi mẫu giáo trẻ có thể tự giác thực hiện các nghĩa vụ xã hội. Sự hình thành những động cơ xã hội ở cuối tuổi mẫu giáo đánh dấu một bước trưởng thành so với trẻ mẫu giáo bé. Khi người ta hỏi các cháu mẫu giáo bé đang làm trực nhật là tại sao chúng làm việc đó thì thường nhận được những câu trả lời như: "Tại cô bảo" hay "tại cháu thích". Nhưng trẻ mẫu giáo nhỡ và lớn thì lại có cách trả lời khác: "Cháu cần phải giúp đỡ các bác cấp dưỡng kẻo một mình bác ấy làm vất vả" hoặc "cháu phải dọn cơm cho các bạn ăn kẻo các bạn đói rồi"... Ta có thể thấy nhiều trẻ em ở cuối tuổi mẫu giáo thực hiện một cách có ý thức những công việc mang nội dung đạo đức tốt đẹp. Chẳng hạn trong một buổi chơi chung giữa trẻ em thuộc nhiều độ tuổi khác nhau (bé, nhỡ, lớn) ở một trường mẫu giáo, một số trẻ mẫu giáo bé làm hỏng đồ chơi và đang muốn nhờ người giúp đỡ. Cô giáo liền hỏi: "Anh chị nào có thể giúp em sửa lại đồ chơi?" Lập tức rất nhiều trẻ mẫu giáo nhỡ và lớn giơ tay sẵn sàng tình nguyện bỏ cuộc chơi của mình để đến giúp em bé. Do hoạt động phối hợp với bạn cùng tuổi, đặc biệt là các trò chơi có quy tắc phát triển đã thúc đẩy sự xuất hiện một hình thức động cơ mới - động cơ thi đua, gắn liền với khát vọng khẳng định, nguyện vọng thắng cuộc. Hầu hết trong trò chơi học tập, trò chơi vận động của trẻ mẫu giáo nhỡ, đặc biệt là mẫu giáo lớn đều là trò chơi gắn liền với sự thi đua - thi đua với các bạn, giữa tổ mình với các tổ khác. Yếu tố thi đua kích thích trẻ hoạt động một cách tích cực. Những lời nhắc nhở như "Ai làm nhanh hơn?", "tổ nào làm tốt hơn?"... đối với trẻ mẫu giáo lớn có một sức động viên mạnh khiến cho trẻ thực hiện công việc tốt hơn bình thường. Tuy nhiên thắng hay thua đối với trẻ đều vui vẻ cả. Cái chính ở đây sự thi đua đã thúc đẩy trẻ hoạt động một cách hào hứng. Có nhiều cháu thua mà vẫn phấn khởi vì được hoạt động, được vui chơi. Ở lứa tuổi mẫu giáo còn hình thành những động cơ nhận thức. Ngay từ lúc 3 - 4 tuổi trẻ đã luôn hỏi ngươi xung quanh vô số những câu hỏi "đây là cái gì", "để làm gì", "như thế nào"; sau này những câu hỏi "tại sao" trở thành ưu thế. Những câu hỏi của trẻ bé và nhỡ đặt ra phần lớn nhằm mục đích thu hút sự chú ý của người lớn, nhằm giao tiếp với họ, chia sẻ tình cảm xuất hiện ở trẻ với họ. Trẻ thường không chờ đợi và nghe hết câu trả lời của người lớn về câu hỏi của mình, trẻ thường cướp lời người lớn, chuyển sang câu hỏi mới. Dần dần do ảnh hưởng của những tri thức muôn màu muôn vẻ người lớn dạy, truyền thụ cho, do người lớn luôn trả lời câu hỏi của trẻ một cách vừa sức, có cơ sở mà trẻ mới bắt đầu hứng thú hơn với thế giới xung quanh, khao khát muốn biết một cái mới nào đó. Đến mẫu giáo lớn hứng thú với tri thức mới trở thành một động cơ độc lập của những hành động ở trẻ, mới bắt đầu định hướng cho hành vi của trẻ. Tóm lại, động cơ hành vi của trẻ mẫu giáo nhỡ và lớn đã trở nên nhiều màu, nhiều vẻ, có thể kể đến như là động cơ muốn tự khẳng định mình, động cơ nhận thức, muốn khám phá về thế giới xung quanh, động cơ thi đua, động cơ xã hội... Trong những động cơ đó cũng có thể có sự pha trộn mặt tích cực lẫn mặt tiêu cực, nhất là đối với những động cơ xã hội. Do đó cần phải quan tâm đến nội dung động cơ của trẻ, cần phải phát huy động cơ tích cực và ngăn chặn động cơ tiêu cực. Sự biến đổi động cơ hành vi trong tuổi mẫu giáo nhỡ và lớn không chỉ thể hiện ở mặt nội dung của động cơ với sự xuất hiện nhiều loại động cơ mới mà trong lứa tuổi này đã bắt đầu hình thành quan hệ phụ thuộc theo thứ bậc của các động cơ, được gọi là hệ thống thứ bậc của các động cơ. Đó là một cấu tạo tâm lý mới trong sự phát triển nhân cách của trẻ mẫu giáo. Trong hệ thống thứ bậc này, các động cơ được sắp xếp theo ý nghĩa quan trọng của mỗi động cơ đối với bản thân đứa trẻ. Chẳng hạn trong việc làm trực nhật, không phải chỉ có một động cơ thúc đẩy, mà thường có nhiều động cơ như: Có thể là vì trẻ thích bản thân công việc trực nhật, hoặc có thể trẻ làm trực nhật để 98 được cô khen, hoặc cũng có thể là để giúp bác cấp dưỡng v.v... Những động cơ này thường không tồn tại song song với nhau mà ở mỗi đứa trẻ lại có một động cơ nào đó được nổi lên hàng đầu, chiếm vị trí ưu thế. Chẳng hạn: Ở cháu A thì do bản thân công việc làm cháu thích, vì làm trực nhật thì được chia bát đĩa, bưng thức ăn, được đeo yếm giống như bác cấp dưỡng. Ở cháu B thì lòng thương yêu, sự đồng cảm với những khó nhọc của bác cấp dưỡng đã khiến cho nó thích công việc này. Ở cháu C thì ý muốn cho mình được chọn bát đẹp, chỗ ngồi theo ý thích, lại được điều khiển các bạn nổi lên hàng đầu. Như vậy là trước một công việc, mỗi trẻ đều có thể có một hệ thống thứ bậc các động cơ thúc đẩy. Sự khác nhau giữa trẻ em ở đây rõ nhất là trong hệ thống thứ bậc của động cơ, xem động cơ nào sẽ chiếm ưu thế nhất. Điều đó là hoàn toàn phụ thuộc vào sự giáo dục của người lớn và ảnh hưởng của cuộc sống bên ngoài mà trẻ tiếp xúc. Hệ thống thứ bậc các động cơ được hình thành ở tuổi này khiến cho toàn bộ hành vi của trẻ nhằm theo một xu hướng nhất định. Đây là điểm khác nhau trong hành vi của trẻ mẫu giáo lớn so với hành vi của trẻ mẫu giáo bé. Hành vi của trẻ mẫu giáo bé thường không xác định được phương hướng chủ yếu. Đứa trẻ vừa mới cho bạn kẹo, bây giờ lại giành đồ chơi của bạn. Một đứa trẻ khác vừa mới hăng hái giúp mẹ dọn dẹp trong phòng, chỉ vài phút sau lại rủ bạn đến xả rác lung tung. Ở trẻ mẫu giáo nhỡ trở đi, hành vi của trẻ tương đối dễ xác định. Nếu động cơ vì xã hội, tức là muốn đem lại lợi ích cho người khác chiếm ưu thế thì trong đại đa số trường hợp đứa trẻ sẽ thực hiện những hành vi mang tính đạo đức tốt đẹp. Ngược lại nếu động cơ nhằm thỏa mãn ý thích hay quyền lợi riêng của bản thân chiếm ưu thế thì trong nhiều trường hợp đứa trẻ sẽ hành động nhằm tìm kiếm những quyền lợi cá nhân ích kỷ dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng về quy tắc đạo đức xã hội. Đối với những trẻ này cần áp dụng những biện pháp giáo dục thích hợp, có hiệu quả nhằm thay đổi những cơ sở của nhân cách đã được hình thành một cách bất lợi này, trước hết là phải biết cảm hóa trẻ bằng tình yêu thương, đồng thời lại đòi hỏi ở chúng sự yêu thương và quan tâm đến những người xung quanh, tạo ra những tình huống để gợi lên ở trẻ những hành vi đạo đức tốt đẹp. Việc giáo dục này cần thiết phải làm ngay từ khi mà hệ thống thứ bậc động cơ mới bắt đầu hình thành, có như vậy sau này mới đỡ mất công giáo dục lại từ đầu. Từ những phân tích trên, có thể nói rằng hành vi của trẻ mẫu giáo lớn là hành vi mang tính xã hội rõ rệt, hay còn gọi là hành vi mang tính nhân cách. C. TIẾN TỚI BƯỚC NGOẶT 6 TUỔI VÀ CHUẨN BỊ TRÌNH ĐỘ SẴN SÀNG VỀ MẶT TÂM LÝ CHO TRẺ VÀO LỚP 1 PHỔ THÔNG 1. Bước ngoặt 6 tuổi Các nhà tâm lý học coi thời điểm lúc trẻ tròn 6 tuổi là một bước ngoặt quan trọng, giữa một bên là đứa trẻ bé nhỏ đang phát triển để hoàn thiện các cấu trúc tâm lý của con người mà hoạt động chủ đạo là vui chơi chưa thực hiện bất kỳ một nghĩa vụ nào của xã hội với một bên là một học sinh đang thực hiện một nghĩa vụ xã hội giao cho bằng hoạt động học tập nghiêm túc. Đứng về mặt phát triển tư duy thì bên này cột mốc đứa trẻ mới có biểu tượng về sự vật, sang phía bên kia là hình thành được những khái niệm về sự vật. Bước vào trường phổ thông là một bước ngoặt trong đời sống trẻ. Là sự chuyển qua một lối sống mới và những điều kiện hoạt động mới, chuyển qua một địa vị mới trong xã hội, chuyển qua những quan hệ mới với người lớn và với bạn cùng tuổi. Ở độ tuổi mẫu giáo lớn là thời kỳ trẻ đang tiến vào bước ngoặt đó với sự biến đổi của hoạt động chủ đạo. Hoạt động vui chơi vốn giữ vị trí chủ đạo trong suốt thời kỳ mẫu giáo, nhưng vào cuối tuổi này, hoạt động 99 vui chơi không còn giữ nguyên dạng hoàn chỉnh của nó mà đang dần dần bị phá vỡ, biểu hiện ở sự xuất hiện nhiều trò chơi có luật, những yếu tố của hoạt động lao động, học tập bắt đầu nảy sinh để tiến tới giữ vị trí chủ đạo ở giai đoạn sau bước ngoặt 6 tuổi. Đây là sự kiện quan trọng các nhà giáo dục cần phải quan tâm, một mặt để giúp cho trẻ hoàn thiện những thành tựu phát triển tâm lý trong suốt thời kỳ mẫu giáo, mặt khác tích cực chuẩn bị cho trẻ có đủ điều kiện để làm quen dần với hoạt động học tập và cuộc sống ở trường phổ thông. 2. Chuẩn bị trình độ sẵn sàng về mặt tâm lý cho trẻ vào lớp 1 phổ thông Việc chuẩn bị trình độ sẵn sàng về mặt tâm lý cho trẻ vào học tập ở lớp 1 phổ thông là nhiệm vụ quan trọng vào bậc nhất của giáo dục mẫu giáo, đặc biệt là độ tuổi mẫu giáo lớn. Không phải ngay từ khi bắt đầu đi học trẻ đã hình thành những nét tâm lý đặc trưng cho một học sinh. Những nét tâm lý này chỉ có thể được hình thành trong bản thân hoạt động học tập do ảnh hưởng của việc giáo dục và dạy học ở nhà trường phổ thông. Vì vậy chuẩn bị trình độ sẵn sàng về mặt tâm lý cho trẻ vào lớp một phổ thông tức là chuẩn bị những tiền đề của những nét tâm lý đặc trưng cho một học sinh phổ thông, đủ để trẻ có thể thích nghi bước đầu với điều kiện học tập có hệ thống ở trường phổ thông. Những tiền đề này bao gồm: Hình thành ở trẻ lòng mong muốn trở thành người học sinh nghiêm chỉnh. Lòng mong muốn này được biểu hiện vào cuối tuổi mẫu giáo ở đại đa số trẻ em. Trẻ bắt đầu ý thức được rằng việc tham gia vào trò chơi để được làm giống như người lớn chỉ là giả vờ, còn địa vị người lớn mà trẻ thấy mà mình có thể vươn tới được chính là địa vị của người học sinh, trong đó học tập trở thành một nhiệm vụ thật sự. Hầu hết trẻ trước ngày tới trường đều hồi hộp mong sao mau đến ngày đấy, cái hấp dẫn trẻ đến học ở trường phổ thông chính là đặc điểm bên ngoài của cuộc sống người học sinh như: Có cặp sách, hộp bút, có góc học tập, trống vào lớp, cô giáo cho điểm... sức hấp dẫn của những nét bề ngoài này cũng có ý nghĩa tích cực, nó biểu hiện khát vọng chung của trẻ là muốn được thay đổi địa vị của mình trong xã hội. Trình độ phát triển ý chí của trẻ phải đủ sức để có thể điều khiển hành vi của mình tuân theo nội quy của nhà trường và thực hiện những yêu cầu của giáo viên hay tập thể lớp đề ra, tự giác tuân theo quy định nơi công cộng. Tính chủ định của các hoạt động tâm lý cũng cần được tăng tiến để trẻ có thể kiên trì theo đuổi mục đích học tập và tiếp nhận những tri thức khoa học có hệ thống, vấn đề này có nhiều khó khăn với trẻ mới đến trưòng, dần dần trong quá trình học tập tính chủ định của các quá trình tâm lý sẽ được tăng tiến rõ rệt. Những thao tác trí tuệ như quan sát, trí nhớ, tư duy... cần phải đạt tới mức nhất định đủ để có thể lĩnh hội tri thức một cách dễ dàng. Đứa trẻ bước vào trường phổ thông cần phải có vốn tri thức nhất định về thế giới xung quanh, nhưng quan trọng không phải là số lượng tri thức mà là chất lượng của nó đó là những tri thức chính xác, rõ ràng và có hệ thống của các biểu tượng đã được hình thành ở trẻ. Cần khơi dậy ở trẻ lòng ham hiểu biết, muốn khám phá những điều mới lạ của thế giới tự nhiên và cuộc sống xã hội, khơi dậy ở trẻ hứng thú nhận thức tức là hứng thú đối với bản thân nội dung các tri thức thu nhận được ở các môn học. Trình độ phát triển ngôn ngữ được coi là một điều kiện hết sức quan trọng trong việc lĩnh hội các tri thức về khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội. Bởi vậy cuối tuổi mẫu giáo, việc sử dụng thông thạo tiếng mẹ đẻ được coi là một yêu cầu nghiêm túc. Trước khi đến trường trẻ phải biết nói năng mạch lạc, khi giao tiếp với người xung quanh biết sử dụng ngôn ngữ như một phương tiện để tư duy. 100 Những phẩm chất của nhân cách giúp trẻ gia nhập vào tập thể lớp, tìm được vị trí của mình trong tập thể đó, có ý thức trách nhiệm khi tham gia vào hoạt động chung. Đó là động cơ xã hội hành vi, là cách ứng xử với những người xung quanh, là kỹ năng xác lập và duy trì mối quan hệ qua lại lẫn nhau giữa các bạn cùng tuổi được hình thành trong suốt thời kỳ mẫu giáo. Việc chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý cho trẻ đến trường phổ thông phải được thực hiện trong các trò chơi và các dạng hoạt động sáng tạo, chính trong các dạng hoạt động đó lần đầu tiên đã nảy sinh những động cơ xã hội tích cực của hành vi, hình thành hệ thống thứ bậc động cơ, hình thành và phát triển các hành động trí tuệ, phát triển kỹ năng thiết lập những quan hệ với bạn bè... Tất nhiên nó không diễn ra một cách tự nhiên mà phải có sự hướng dẫn thường xuyên của người lớn. Ngoài ra một số thuộc tính tâm lý và những tri thức, kỹ năng cần thiết được hình thành trong những hình thức dạy học đặc biệt thông qua các "tiết học". Trong các "tiết học" đó trẻ có dịp rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho việc học tập ở trường phổ thông và nâng cao mức độ của tính chủ định trong các quá trình nhận thức. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Tâm lý học trẻ em - Nguyễn Ánh Tuyết. Tài liệu chính thức giáo viên Nhà trẻ - Mẫu giáo hệ sự phạm 12 + 2. 2. Tâm lý học trước tuổi học – Nguyễn Ánh Tuyết (Chủ biên), Phạm Hoàng Gia - NXB Giáo dục, Hà Nội, 1992. 3. Tâm lý học - A.V.Dapadôgiét - Phạm Minh Hạc - Đức Minh (dịch) - Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội - 1974. 4. Tâm lý học trẻ em - A.A.Luiblinkaia - Trương Anh Tuấn - Trần Trọng Thủy (dịch) - Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh - 1978. 5. Tâm lý học tuổi mầm non - Nguyễn Ánh Tuyết (Chủ biên) - Nguyễn Như Mai - Nguyễn Kim Thoa, ĐHSPI, Hà Nội, 1994. 6. Tâm lý học - Phạm Minh Hạc (Chủ biên) - CĐSP. 7. Tâm lý học - ĐHSP Hà Nội. 8. Tâm lý học mẫu giáo - V.X.Mulchina.
File đính kèm:
- giao_trinh_tam_ly_hoc_tre_em_tu_lot_long_den_6_tuoi.pdf